Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Trường Học
Văn bản quy phạm pháp luật
Bộ thủ tục hành chính
Dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huê
Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế
Khảo sát mức độ hài lòng
TRUNG TÂM GIÁM SÁT ĐIỀU HÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KÊNH PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ THUỘC HỆ THỐNG GIÁM SÁT ĐIỀU HÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH
Tăng cường sự lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Ngày cập nhật 29/08/2023
Sáng ngày 28/8, tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc
 

Theo báo cáo của bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay Chi nhánh đã và đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội, dư nợ đến 31/7/2023 là 4.007 tỷ đồng, với trên 93.000 khách hàng đang còn dư nợ. Song song với việc mở rộng quy mô tín dụng, Chi nhánh thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, nợ quá hạn đến 31/7/2023 là 1,7 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,04%. Tổng doanh số cho vay từ khi thành lập Chi nhánh đến nay đạt trên 15.300 tỷ đồng, với trên 767 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sinh hoạt.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh, thực sự là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 21,17% xuống còn 3,56% vào cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới, đã góp phần giúp 65/94 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 02 huyện hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Vốn tín dụng chính sách xã hội tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao. Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương.

Cùng với nguồn vốn trung ương, hàng năm, địa phương đã chuyển vốn sang NHCSXH tỉnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo các chương trình, dự án của địa phương. Lũy kế Nguồn vốn địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh đến 31/7/2023 là 202,6 tỷ đồng, chiếm 5,1% trong tổng nguồn vốn thực hiện tại NHCSXH tỉnh, đến 31/7/2023 dư nợ nguồn vốn địa phương thực hiện là 200,7 tỷ đồng đạt 99,1% kế hoạch nguồn vốn.

Mặc dù thời gian qua tỉnh đã quan tâm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên, tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh còn thấp so với bình quân chung cả nước (toàn tỉnh mới đạt 5,1%, bình quân chung toàn quốc là 10,6%).

Theo kết quả rà soát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm năm 2023 theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 533 tỷ đồng, đã thực hiện 217 tỷ đồng (nguồn vốn trung ương 50 tỷ đồng nguồn vốn địa phương 22 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi nợ để cho vay quay vòng 145 tỷ đồng) còn thiếu 316 tỷ đồng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đề nghị NHCSXH Việt Nam cân đối, bổ sung 50% số tiền 316 tỷ đồng này trong 02 năm 2023 và năm 2024 (mỗi năm bổ sung 80 tỷ đồng) và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để chuyển đối ứng 50% số vốn còn lại (mỗi năm bổ sung 80 tỷ đồng).

Theo kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 15/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Thực hiện Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND, mục tiêu phấn đấu từ năm 2021-2025 đưa khoảng 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nếu chỉ tính sơ bộ khoảng 50% số lao động theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND được vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh là 5.000 người, với mức vay 80 triệu đồng/lao động thì giai đoạn 2021-2025 cần 400 tỷ đồng, trong khi đó theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND chỉ bố trí 81,6 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh đã phát biểu ý kiến; đại diện lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đã nêu trong báo cáo.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của NHCSXH tỉnh, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Sau buổi làm việc này, đồng chí sẽ báo cáo, đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cân đối nguồn ngân sách địa phương và đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh về việc bổ sung nguồn vốn năm 2023 và những năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội theo các chương trình, dự án của địa phương.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.947.549
Truy cập hiện tại 844