Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
(CTTĐT) - Sáng ngày 29/11, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023 và triển khai Kế hoạch số 153/KH-BCĐ ngày 24/10/2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh về phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương.
Ngày 28/4/2023, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ký kết Kế hoạch số 171/KHPH-BCA-UBND phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Thừa Thiên Huế”. Việc triển khai các ứng dụng, tiện ích Đề án 06 với 26 mô hình điểm (24 mô hình tại thời điểm ký kết và 02 mô hình bổ sung) đã cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg. Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mô hình Đề án 06 đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Kết quả triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 đã có những kết quả nổi bật trong triển khai các mô hình. Về mô hình đảm bảo điều kiện công dân số: thu nhận 1.105.005 hồ sơ cấp CCCD gắn chip, được Bộ Công an biểu dương là một trong 19 tỉnh hoàn thành sớm chỉ tiêu thu nhận CCCD đối với 100% nhân khẩu đủ điều kiện cư trú trên địa bàn. Đã tạo lập 63.022 ví điện tử Hue-S và hơn 700 điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số đã tiếp nhận đăng ký và cấp phát 11.749 chữ ký số công cộng cho người dân.
Về chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO) VDXP: Hệ thống thông tin của tỉnh (Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh) đã kết nối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an qua nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP). Hiện, đã kết nối kỹ thuật hệ thống xác thực, đăng nhập ứng dụng Hue-S bằng cách xác thực tài khoản VNeID qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Phụ lục I Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết 306.979 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an; 73.940 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành khác.
Năm 2023, toàn tỉnh đã có 137/141 xã, phường, thị trấn triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội, chiếm tỉ lệ 97,16%. Đến nay, số lượng dữ liệu đã xác thực, đồng bộ số CCCD giữa CSDLQG về DC và CSDL Bảo hiểm trên địa bàn tỉnh là 1.057.198 trường hợp và tiếp tục được thực hiện; có 184/187 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng CCCD với 232.097 lượt tra cứu, trong đó 195.250 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh, đạt tỉ lệ 84,12%...
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các mô hình Đề án 06, ngày 24/10/2023, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-BCĐ về đẩy mạnh phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế (thay thế cho Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023), trong đó, sửa đổi từ 07 nhóm nhiệm vụ thành 05 nhóm nhiệm vụ, đồng thời sắp xếp bố cục, thứ tự 05 nhóm nhiệm vụ, 46 mô hình.
Qua đó, tiếp tục triển khai và hoàn thành việc nhân rộng đối với 22 mô hình đã triển khai tại Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023, như: Đảm bảo điều kiện công dân số; Tự động hóaTrung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk; Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú (ASM) tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh... Tiếp tục phối hợp với Cục C06, nhà thầu đảm bảo các điều kiện để triển khai đối với 04 mô hình chưa triển khai, gồm: Triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội; Phân tích tình hình lao động; Phân tích tình hình du lịch thông qua lưu trú; Phân tích tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bổ sung, thêm mới 17 mô hình tại Công văn số 4043/CV-TCTTKĐA ngày 13/6/2023 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những trao đổi ý kiến về việc triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 tại các cơ qian, đơn vị, địa phương. Qua đó, đã nêu lên được một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các mô hình. Đồng thời, các đại biểu nêu lên được các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, nhân rộng các mô hình Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà các cơ quan, ban ngành và các địa phương đã đạt được trong triển khai thực hiện mô hình Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, cần đi vào thực tế và có sản phẩm cụ thể trong triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06. Có kết nối với hệ thống của các cơ quan ở Trung ương, trên cơ sở chung thì cần có sự sáng tạo trong việc triển khai thực hiện tại địa phương. Việc áp dụng các mô hình thể hiện sự quyết tâm, đòi hỏi các ngành, đơn vị phải tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, yêu cầu việc triển khai thực hiện các mô hình phải có sự kết nối, phối hợp của các cơ quan, ban ngành, địa phương. Có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo thực hiện các mô hình, đồng bộ hoá trong khai thác dữ liệu. Phát huy trách nhiệm cao hơn nữa trong quá trình triển khai công tác chuyên môn, lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ Đề án 06 gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị căn cứ vào nội dung kế hoạch 153/KH-BCĐ về đẩy mạnh phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế, các cơ quan, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06. Cần lựa chọn các mô hình để triển khai, gắn với sự giải quyết các vấn đề mà người dân quan tâm. Đồng thời, đề nghị sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện, có cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng các mô hình Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.