Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Kỳ thi và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Kỳ thi theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dự báo những khó khăn, tình huống có thể xảy ra để chủ động phương án xử lý trong quá trình tổ chức Kỳ thi.
b) Ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi; quán triệt đầy đủ Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi.
c) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức ôn tập cho các đối tượng thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
d) Chủ trì xây dựng phương án tổ chức Hội đồng thi tại tỉnh Thừa Thiên Huế; kiểm soát chặt chẽ các bước trong quy trình tổ chức Kỳ thi theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế ở tất cả các khâu: in sao đề thi, vận chuyển đề thi và bài thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xử lý kết quả các kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đúng quy chế, quy định của pháp luật; tuyệt đối bảo mật đề thi, không để xảy ra tình trạng gian lận trong Kỳ thi; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế thi và an ninh trật tự Kỳ thi; bố trí cán bộ, giáo viên có đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi.
đ) Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chuẩn bị các điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức Kỳ thi trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Kỳ thi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi nhất về giao thông, đi lại cho thí sinh dự thi; không để thí sinh phải bỏ thi vì điều kiện khó khăn hoặc do yếu tố khách quan.
e) Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống phần mềm trong Kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, đảm bảo thống nhất, tuyệt đối an toàn, thuận lợi trong quá trình tổ chức Kỳ thi.
g) Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường.
h) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí điểm thi, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các điều kiện theo quy định, đảm bảo an ninh, an toàn để tổ chức Kỳ thi.
i) Làm tốt công tác tập huấn tổ chức nghiệp vụ: tổ chức thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi cho các lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi; quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu nội dung của Kỳ thi, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật khi làm nhiệm vụ; quy định cụ thể, chặt chẽ các quy trình thực hiện nghiệp vụ tổ chức thi, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức thi.
k) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức Kỳ thi tạo điều kiện thuận lợi, bố trí các Điểm thi của Hội đồng thi hợp lý, khoa học, tạo thuận lợi cho việc đi lại, ăn, nghỉ của thí sinh và phụ huynh học sinh.
l) Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi, bảo đảm Kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, đúng quy định pháp luật; ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra tình trạng gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế, quy định của pháp luật.
m) Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh.
n) Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cung cấp thông tin kịp thời tạo niềm tin, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, Nhân dân và toàn xã hội.
o) Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đảm bảo theo đúng quy định.
p) Là đầu mối theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi của các cơ quan, đơn vị liên quan; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
q) Tổng hợp tình hình tổ chức thi, kết quả của Kỳ thi; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng thời gian quy định.
2. Công an tỉnh
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức Kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc với các nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Thực hiện các phương án bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật để kiểm tra an ninh, cách ly triệt để những thành viên tham gia in sao đề thi theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an; bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác in sao đề thi.
b) Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối quá trình nhận đề thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; vận chuyển đề thi từ địa điểm in sao đến các điểm thi; bài thi từ các điểm thi về địa điểm chấm thi.
c) Bố trí đủ lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các điểm thi (cả bên trong và bên ngoài điểm thi); có biện pháp quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm quy định về khu vực thi.
d) Tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để phân luồng giao thông, kịp thời xử lý ách tắc giao thông tại các Điểm thi trong các ngày tổ chức Kỳ thi.
đ) Phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực, những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến quá trình chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi.
e) Đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các địa điểm có tổ chức hoạt động thi.
g) Tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi.
h) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kịp thời khi có đề nghị xác minh nơi cư trú, điều chỉnh thông tin liên quan đến mã định danh và cấp thẻ căn cước công dân của học sinh.
3. Thanh tra tỉnh
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; cử cán bộ có chuyên môn phù hợp tham gia thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và các khâu của Kỳ thi theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đảm bảo Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và khách quan.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan:
a) Dự báo các tình huống an ninh mạng; dự kiến các biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố liên quan đến bảo mật cơ sở dữ liệu của Kỳ thi.
b) Chỉ đạo thực hiện các chế độ ưu tiên về thông tin liên lạc từ các điểm thi, chấm thi, điểm in sao đề thi đến Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và từ Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; kịp thời ngăn chặn những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh; cung cấp thông tin và diễn biến tình hình về Kỳ thi.
d) Hỗ trợ, tạo điều kiện và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu thi.
đ) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng công nghệ cao có mục đích gian lận trong thi cử (nếu có).
5. Sở Y tế
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phân công cán bộ, nhân viên y tế tại các điểm thi để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, thí sinh trong quá trình thi; chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị, chăm sóc y tế khi có dịch bệnh và các trường hợp đau ốm bất thường của thí sinh trong các ngày thi; tham gia cùng với Hội đồng thi giải quyết kịp thời, đúng quy chế những tình huống có liên quan đến quyền lợi của thí sinh.
b) Phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường trước và trong những ngày diễn ra Kỳ thi; có phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đề phòng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh; kịp thời xử lý các tình huống khi có ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.
c) Chỉ đạo các cơ sở y tế kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ thí sinh, người nhà thí sinh và cán bộ, giáo viên được điều động về tham gia công tác thi.
d) Chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế có liên quan phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có bố trí điểm thi trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.
6. Sở Tài chính
Đảm bảo kinh phí và hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính theo quy định hiện hành.
7. Bưu điện tỉnh; Viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế
a) Có kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho các máy điện thoại, máy Fax, đường truyền phục vụ Kỳ thi theo đúng Quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo bí mật, an toàn bài thi trong quá trình vận chuyển.
b) Đảm bảo an toàn tuyệt đối, đúng thời gian trong việc chuyển, phát tài liệu, bưu kiện liên quan đến Kỳ thi giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng thi của tỉnh.
c) Đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông, tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả thi, điều chỉnh nguyện vọng và chuyển phát hồ sơ nhập học của thí sinh.
8. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
a) Tăng cường thời lượng phát sóng, mở thêm chuyên trang, chuyên mục thông tin kịp thời về Kỳ thi.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền về diễn biến Kỳ thi, công tác phòng chống dịch trong quá trình tổ chức thi nếu có dịch bệnh xảy ra.
9. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế
Đảm bảo cung ứng điện theo kế hoạch tổ chức Kỳ thi đã được phê duyệt; đặc biệt là trong quá trình in sao đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi và xử lý kết quả thi.
10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn xây dựng phương án tuyên truyền về Kỳ thi; tổ chức triển khai chỉ đạo các chương trình hoạt động “Tiếp sức mùa thi”; tham gia hướng dẫn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; hướng dẫn và hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh về việc đi lại, ăn, ở, sinh hoạt tại các điểm thi xa trung tâm, các thí sinh đi lại khó khăn.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan có phương án và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để tổ chức tốt Kỳ thi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các ngành liên quan ở địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn tại địa phương có các cơ sở giáo dục tổ chức Kỳ thi; có phương án phân luồng, tránh ùn tắc do tập trung đông người trước và sau buổi thi tại cổng trường và tuyến giao thông lân cận.
c) Đẩy mạnh đợt cao điểm về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các cấp, phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; chỉ đạo các cấp ở địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp các em học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn được ôn tập, tham gia thi đầy đủ và đạt kết quả tốt.
d) Tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay điều kiện phương tiện đi lại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và phương án triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.