Điểm tin báo chí liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế
TIN NÓNG
1. Thừa Thiên – Huế: Xử phạt 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp “thổi phồng” nhà ở riêng lẻ thành dự án
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thiên Định vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín và buộc tháo gỡ quảng cáo sai sự thật về công trình xây dựng 67 đường Vạn Xuân, thành phố Huế.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín đã cho tháo dỡ toàn bộ hình ảnh quảng cáo sai, quy định, về công trình xây dựng tại số 67 đường Vạn Xuân, phường Kim Long, thành phố Huế.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín, trụ sở chính tại đường Nguyễn Phan Chánh, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế.
Theo Quyết định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín bị xử phạt với tổng mức tiền phạt 100 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức dịch vụ.
Quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 51 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo.
Làm việc với cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín thừa nhận do thiếu hiểu biết và chưa nắm rõ thủ tục pháp lý nên đã có hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo. Sau khi có ý kiến của cơ quan chức năng tại buổi làm việc, Công ty đã lập tức tháo gỡ toàn bộ hình ảnh quảng cáo sai quy định về công trình xây dựng tại số 67 Vạn Xuân (phường Kim Long, thành phố Huế).
Ngoài xử phạt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế còn buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín chịu trách nhiệm việc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo; tổ chức cải chính thông tin theo đúng quy định đối với hành vi quảng cáo sai sự thật ở trên.
Như Báo điện tử Xây dựng thông tin, khi công trình tại số 67 Vạn Xuân được cấp phép xây dựng, Vạn Xuân Compound Huế đã cho đăng quảng cáo trên một số báo điện tử và các fanpage như: Vạn Xuân Compound, Vạn Xuân Compound Huế… giới thiệu đây là “dự án” nhà phố liền kề cao cấp có phòng tập gym, phòng tập yoga, khu vui chơi dành cho trẻ em, chỗ đậu xe rộng rãi trong mỗi căn nhà, hồ bơi biệt lập ở sân vườn...
Ngay khi sự việc xảy ra, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Sở Xây dựng và UBND thành phố Huế tiến hành làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín về nội dung quảng cáo đối với công trình xây dựng tại số 67 Vạn Xuân. Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín thừa nhận đã đăng tải, quảng cáo trên môi trường mạng các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa liên quan đến công trình xây dựng tại số 67 Vạn Xuân không đúng sự thật, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.(baoxaydung.com.vn 24/8)
2. Thừa Thiên – Huế: Hàng trăm hộ dân sống thấp thỏm bên cạnh mỏ đá xi măng Đồng Lâm
Từ ngày mỏ đá xi măng Đồng Lâm, ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) nổ mìn, khai thác đá đã làm hàng loạt nhà dân bị nứt, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, làm sụt lún đất và mất nước ngầm trên diện rộng… khiến người dân bất an, sống trong thấp thỏm và lo lắng.
Liên tục xuất hiện sụt lún đất
Mỏ đá xi măng Đồng Lâm thuộc Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) đóng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác trên diện tích 90,5ha; trữ lượng 49.595.788 tấn; công suất khai thác 1.752.075 tấn/năm; thời gian khai thác 30 năm.
Khoảng năm 2014, Công ty Đồng Lâm thuê Công ty Tân Việt Bắc bắt đầu khai thác đá. Từ đó, hàng trăm hộ dân ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân – Quảng Lộc (xã Phong Xuân) sống trong bất an và thấp thỏm lo lắng, cuộc sống không có ngày nào được yên. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) gia đình bà sống chỉ cách vành đai mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm khoảng 300m. Gần đây, khu vực quanh nhà xuất hiện 5 điểm sụt lún mới khiến gia đình bà hết sức lo lắng. Ban đầu chỉ xuất hiện một hố sâu phía sau nhà, sau đó được các cơ quan chức năng đến kiểm tra và xử lý cho san lấp hố bị sụt lún. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn lại xuất hiện thêm 3 điểm sụt lún ngay dưới nền nhà rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình.
Nghiêm trọng hơn, khoảng 11h30’, ngày 16/5/2020, Công ty Tân Việt Bắc đã nổ mìn gần đê bao số 1, khu vực gần cầu Cây Mưng (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân). Sau khi nổ mìn, khói thuốc súng, bụi phát tán gặp gió thổi nên bay vào nhà dân. Lúc này, khoảng 40 người dân ra khu vực đó để phản đối và ngăn cản việc nổ mìn.
Theo phản ánh của hàng chục người dân xã Phong Xuân sống cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 200 – 300m, từ khi nhà máy đi vào khai thác đá, người dân phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ khói bụi do nổ mìn khai thác đá, làm rạn nứt nhà cửa, sụt lún đất… gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mong muốn của người dân được di dời đến nơi ở mới để “an cư lạc nghiệp” yên tâm làm ăn và có phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng. Tuy nhiên, đến nay nguyện vọng trên vẫn được các ngành chức năng giải quyết.
Kiến nghị được di dời
Theo báo cáo của UBND xã Phong Xuân, từ tháng 8/2014 đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 72 hố sụt lún, đường kính từ 0,3 - 3,5m, độ sâu 0,5 - 3m; hố sụt lún xa nhất cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 1 - 2km. Các hố sụt lún xuất hiện chủ yếu trên đất nông nghiệp khoảng 61 hố, đặc biệt có 6 hố sụt lún mồ mả, 5 hố xuất hiện trên đất ở của người dân.
Từ tháng 8/2014 đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 72 hố sụt lún, đường kính từ 0,3 - 3,5m, độ sâu 0,5 - 3m.
Ông Trần Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: Nhận được phản ánh của một số hộ dân sống lân cận mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm về việc bị rạn nứt nhà, sụt lún đất, UBND xã đã phối hợp với Công ty Đồng Lâm tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng rạn nứt và lập biên bản hiện trường của từng nhà dân. Tiến hành khảo sát tất cả nhà dân khiếu nại bị rạn nứt trong phạm vi 500m tính từ đê bao mỏ. Trong đợt khảo sát định kỳ lần 1, có 117 nhà dân bị ảnh hưởng và đợt khảo sát lần 2 (năm 2019 – 2020) có 127 nhà bị ảnh hưởng rạn nứt nhà. Phía Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng cho người dân sửa chữa, khắc phục những hư hỏng và hỗ trợ cho các hộ dân san lấp các hố sụt lún.
Những diện tích đất trồng cây bị ảnh hưởng cũng được Công ty tiến hành hỗ trợ theo từng vụ, đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong phạm vi 200m, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/vụ với diện tích trồng lúa và hoa màu; 400.000 đồng/sào/năm đối với diện tích đất trồng cây lâu năm và keo tràm. Hỗ trợ tiền mua Bảo hiểm y tế năm 2020 cho các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi cách đê bao mỏ đá trong bán kính 300m.
Ông Trần Văn Toàn cho biết thêm: Nhiều cuộc họp, địa phương đã yêu cầu Công ty Đồng Lâm có giải pháp đảm bảo an toàn và hạn chế rung chấn, khói bụi trong nổ mìn. Đồng thời, làm hàng rào bảo vệ xung quanh khu mỏ. Ngoài ra, đề nghị UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có phương án di dời nhà cửa khỏi phạm vi 300m cách từ đê bao hoặc có phương án hỗ trợ do tác động từ việc khai thác mỏ đá gây ra cho các hộ dân.
Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, UBND huyện Phong Điền đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi 300m, những hộ dân sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi đến Khu tái định cư mới. Với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200m xung quanh khu mỏ đá vôi với diện tích gần 26ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất và xin chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200 đến 300m xung quanh mỏ đá vôi. (baoxaydung.com.vn 24/8)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Tìm người tài thực sự trong công tác cán bộ
Mỗi lần Đại hội Đảng cũng là một dịp rà soát, đánh giá, chọn người cho đội ngũ có đủ năng lực lãnh đạo đất nước. Lâu nay, chúng ta vẫn xác định cần phải phát hiện người tài, nhưng làm như thế nào tìm người có tài thực chất là vấn đề cần bàn.
1. Thời phong kiến, các bậc vua hiền ở triều đại nào cũng đều chăm lo phát hiện người tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia. Bác Hồ trong quá trình hoạt động cách mạng cũng luôn đề cao vai trò cán bộ, lựa chọn người tài, xem đó là gốc rễ của mọi thành công. Với tầm nhìn xa trông rộng, Bác và Đảng ta vận dụng tư tưởng những nhà hiền triết ngày xưa trong công tác phát hiện nhân tài cho kiến thiết đất nước. Sau Cách mạng tháng Tám, tình thế đất nước nghìn cân treo sợi tóc, Bác Hồ khẳng định: “Kiến quốc cần phải có nhân tài”.
Năm 1946, Người đăng bức thư: “Tìm người tài đức” trên báo Cứu quốc, kêu gọi đồng bào cả nước “thấy ở đâu có người tài giỏi thì mách báo cho Chính phủ để mời làm việc”.
Người rất coi trọng công tác cán bộ, trọng dụng nhân tài, không hẹp hòi, mặc cảm về thành phần xuất thân, miễn là họ có tài, có tâm với đất nước để đưa họ vào hàng ngũ cách mạng. Trong số đó có nhiều nhân sĩ, trí thức, người tài không phải là đảng viên, thậm chí có người từng giữ chức vụ cao trong chế độ cũ. Sau này, chính họ là những người tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo và đã có nhiều cống hiến to lớn cho kháng chiến, xây dựng đất nước.
2. Trong các văn bản gần đây, Đảng ta đã chỉ ra là phải “tìm người tài cho bộ máy”. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã nêu: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với người tài năng”.
Đáng tiếc, nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Các quy định đề bạt lãnh đạo, tuyển dụng cán bộ đều lấy tiêu chí về bằng cấp, học hàm, học vị làm điều kiện chính ngay từ đầu. Bên cạnh đó đòi hỏi phải có đủ các chứng chỉ: Ngoại ngữ, tin học, quản lý hành chính, chuyên viên chính... Không đủ là bị loại ngay hoặc không được đưa vào quy hoạch và bổ nhiệm. Từ xem nặng bằng cấp dẫn đến hệ quả phần lớn học sinh học xong phổ thông đều hướng vào đại học, cán bộ trong cơ quan tìm cách đi học để hợp thức hóa cho đủ chứng chỉ. Tấm bằng như “bùa hộ mệnh” cho thăng quan, tiến chức, nhiều lúc không cần tính đến năng lực, hiệu quả công việc...
Một vấn đề tế nhị về một số lãnh đạo thiếu tâm không muốn người khác hơn mình, nhất là những người có thể “đe dọa” đến cái ghế đang ngồi. Người có tài hay có năng lực thực sự lại không thích những chuyện “nhập nhèm”, bon chen, không nịnh bợ nên khó lọt vào tầm ngắm. Những nơi có biểu hiện ê kíp, cục bộ, lợi ích nhóm thì người có năng lực không phải là sự lựa chọn hàng đầu cho quy hoạch, đề bạt. Bên cạnh đó, căn bệnh chạy chức, chạy quyền đang còn là một vấn nạn. Những người có năng lực nhưng không “chạy” thì cũng khó mà lọt vào được “vòng trong”.
Chính sách thu hút người tài, có hàm lượng chất xám cao đã được nhiều ngành, địa phương đưa ra nhưng thực tế phát huy hiệu quả chưa cao. Với những người thực tài, có tâm huyết thì vật chất, chức quyền không phải là tất cả, có khi chỉ cần môi trường lành mạnh để phát huy sở trường.
Bài học về phát hiện, thu dụng người tài của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám đã cho chúng ta rút ra bài học. Ông Trần Đại Nghĩa từ bỏ cuộc sống nhung lụa, lương tháng tương đương 28 lượng vàng (vào thời điểm đó) đã theo Bác về nước, lên chiến khu phục vụ cho kháng chiến. Rất nhiều trí thức giỏi ở nước ngoài tự nguyện về nước, không màng danh lợi, vật chất và sau này đã trở thành nhân tố không thể thiếu cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
3. Trong cơ chế của chúng ta hiện nay, nhân sự cơ quan đều do cấp ủy Đảng lựa chọn, quy hoạch theo nguyên tắc tập trung, dân chủ trong Đảng. Thế nhưng cách chọn người lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân lãnh đạo. Cho nên, yêu cầu đặt ra là người đứng đầu phải thực sự minh chính, khách quan, trọng dụng người tài mới tìm được người thực tài.
Mặt khác, phải có những bộ tiêu chí xác định tiêu chuẩn cụ thể về bằng cấp, tay nghề, năng khiếu, khả năng xử lý công việc và định lượng (tương đối) về hiệu quả. Phân định nhóm lĩnh vực về quản lý của Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, quản lý doanh nghiệp...để có căn cứ xác định người tài (giỏi) ở từng lĩnh vực. Từ đó, quy định tiêu chuẩn cụ thể trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm theo đúng mục đích là chọn được người tài. Không nên quy định chung như hiện nay, mỗi cơ quan, địa phương vận dụng khác nhau, lợi dụng sơ hở để tuyển dụng hoặc đề bạt người không có khả năng thực chất. Xác định bằng cấp chỉ là điều kiện “cần”, làm việc hiệu quả, năng suất cao mới là “đủ” ở từng con người cụ thể.
Công tác tổ chức cần nhìn nhận từ góc độ thực tiễn, có những tiêu chí đổi mới, khoa học làm cẩm nang để tìm ra những người thực tài cho Đảng, cho đất nước. Đó chính là yêu cầu và mục đích trong công tác cán bộ. (baothuathienhue.vn 25/8)
LAO ĐỘNG
1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Nam Đông: Phù hợp thực tiễn
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương và người dân, tránh lãng phí là mục tiêu huyện Nam Đông hướng đến nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Học là có việc
Trước đây, chị Trần Thị Ép (sinh năm 1989, xã Thượng Long) sống bằng nghề làm rẫy, thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình khó khăn.
Cuối năm 2017, khi địa phương có chính sách hỗ trợ lao động học nghề, chị Ép đăng ký tham gia lớp học may do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp (GDTX&HN) Nam Đông chiêu sinh.
Sau khóa học nghề may 3 tháng, có tay nghề cơ bản tốt, chị được trung tâm giới thiệu việc làm tại Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora đóng trên địa bàn huyện. Sau thời gian học việc và được hưởng phụ cấp, chị Ép chính thức trở thành lao động của công ty với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng.
“Làm việc tại công ty có thu nhập ổn định, lại được đóng các loại bảo hiểm và phúc lợi khác nên rất yên tâm. Để gắn bó lâu dài với công ty, quan trọng nhất là phải có tác phong làm việc nghiêm túc”, chị Ép chia sẻ.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm GDTX&HN Nam Đông cho biết, hiện các lớp đào tạo nghề may đạt hiệu quả khá cao, với khoảng 60% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm tại các công ty trên địa bàn hoặc ngoại tỉnh và may vá tại nhà.
Theo thống kê, mỗi năm trung bình Trung tâm GDTX&HN Nam Đông đào tạo trên 200 học viên; các học viên tham gia sẽ được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ. Hiện đơn vị tập trung đào tạo 2 nhóm ngành chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp như.
Nhóm ngành phi nông nghiệp đa phần là nghề may mặc bởi trên địa bàn huyện hiện có doanh nghiệp (DN) may, thuận tiện tìm việc làm. Với nhóm ngành nông nghiệp, trung tâm tập trung đào tạo các lớp kỹ thuật cây, con giống chủ lực gắn với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện như: chăm sóc cam, chăn nuôi, cạo mủ cao su…
Để tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia, trung tâm còn đưa các lớp học về tận địa phương và tạo sự linh hoạt trong chương trình đào tạo. Chẳng hạn, với lớp học chăn nuôi gà, trung tâm trích một phần kinh phí hỗ trợ mỗi học viên 10 con gà giống để thực hành và làm vốn sau khi tốt nghiệp.
Tập trung nâng chất lượng
Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nam Đông cho biết, thực tế con số lao động trẻ trong độ tuổi ở địa phương khá lớn nhưng nhu cầu học nghề lại chưa cao. Mỗi năm toàn huyện chỉ có khoảng 400 lượt lao động đăng ký tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và trung hạn. Do đa phần lao động trẻ ở địa phương thường đi làm ăn xa và người dân vẫn giữ quan niệm thích lao động tự do, ăn lương theo ngày nên chưa nhiều người đăng ký tham gia.
Nhằm thu hút người học, những năm qua, huyện thường xuyên tổ chức các diễn đàn hướng nghiệp cho học sinh THPT, tuyên truyền thông qua các hội đoàn thể địa phương và tăng cường mở các sàn giao dịch việc làm. Định kỳ hằng năm sau Tết Âm lịch, tận dụng thời điểm lao động đi làm ăn xa về quê, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối DN xuất khẩu lao động, tổ chức tư vấn, định hướng cho lao động có độ tuổi từ 18 đến 40.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế và có cơ hội làm việc ngay sau khi tốt nghiệp như: may mặc, cạo mủ cao su, chăm sóc cam, chăn nuôi… Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn gặp một số khó khăn, như hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư từ lâu nên khó đáp ứng chương trình dạy và học; mức tiền hỗ trợ theo Quyết định 1956 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” chưa phù hợp do đã có hiệu lực từ 10 năm trước.
Theo ông Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55 - 60%. Phòng LĐTB&XH huyện đang tiến hành xây dựng và tham mưu đề án tạo nghề trong giai đoạn mới với các chính sách phù hợp khi Quyết định 1956 sẽ hết hiệu lực trong năm nay.
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân học nghề, gắn với việc rà soát lại nhu cầu thực tế của địa phương để đào tạo theo phương thức đón đầu và phát triển thêm ngành cơ khí còn nhiều tiềm năng.
“Riêng với Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora, chúng tôi dự kiến phối hợp đào tạo và thực hành ngay tại nhà máy để học viên lớp may mặc sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và dễ dàng được công ty tuyển dụng”, ông Hóa cho biết. (baothuathienhue.vn 24/8)
VĂN HÓA
1. Chuyện chưa kể về tán xanh cố đô Huế - Kỳ 1: Những trái cây trác tuyệt tiến cung
Cố đô Huế còn mệnh danh là "thành phố xanh". Ngoài những cung điện, lăng tẩm, đền đài, màu xanh cây cối cũng là bộ phận di sản hàm chứa biết bao câu chuyện đặc biệt thú vị, độc đáo chẳng nơi nào có.
Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi.
Sư Thích Minh Chính
Du khách đến Huế sẽ có cảm giác trầm mặc mà nhẹ nhàng, dịu mát khi lạc bước dưới các tán xanh cổ thụ này...
Những chùm nhãn lồng Đại nội tuyệt ngon, những trái xoài tiến cung thơm lừng. Chúng đều từ những trân phẩm tiến cung ngày xưa đến từ Nam, Bắc nay còn cho trái mê mẩn lòng người.
Nhãn lồng tuyệt hảo
Liên hệ trong sự bất ngờ, anh Lê Trung Hiếu, trưởng phòng cảnh quan Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nói: "Đang hái nhãn lồng Đại nội, anh cần sẽ biếu để xem nhãn tiến cung xưa đặc biệt thế nào".
Những chùm nhãn được hái trong cung ấy, trái nhỏ tròn đều, thớ cơm không dày lắm, có độ ướt vừa phải, mà vị ngọt thanh, hương thơm tỏa lan tuyệt hảo, khác hẳn những loại nhãn bán nhiều ngoài thị trường.
Chúng tôi chia phần đem biếu những người thân quen, ai cũng khen nức. Anh Hiếu cho biết số nhãn hái từ những cây lớn ven đường giữa Tử Cấm thành cạnh cung Diên Thọ và ven đường trước điện Phụng Tiên, nguồn giống có thể từ nhãn tiến cung xưa.
Nhãn lồng Đại nội nức tiếng từ lâu, nằm trong số ba loại danh quả trác tuyệt của Đại nội đi vào ca dao: "Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu".
Thật tiếc cổ thụ nhãn trong điện Phụng Tiên đã hết mùa, hẹn dịp sau được nếm. Nhãn hiện chiếm số lượng nhiều nhất trong các loài cây ở hoàng cung, rợp bóng các con đường, các sân cung, góc miếu. Dường như ít được chăm bón nên trái nhỏ và ít, nhưng có lẽ chính vì vậy nó lại ngon đặc biệt.
Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, gần cửa Thượng Tứ (Đông Nam) trong kinh thành được giới thiệu bán nhãn Đại nội. Hôm tôi ghé, chị bán hàng giới thiệu chỉ còn ít nhãn Đại nội, còn lại phần lớn là nhãn hái ở khu Lục bộ (các bộ của triều xưa).
"Nhãn Lục bộ cũng ngon kém chi nhãn Đại nội, thì cũng trong cung ra cả mà" - người bán lột một trái nhỏ mời dùng thử và quả quyết.
Quanh khu vực những cơ quan đầu não triều xưa như viện Cơ Mật, Tôn Nhơn phủ, Khâm Thiên giám và các bộ, nhãn mọc thành hàng rợp bóng các đường phố, che phủ nhiều công trình... Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, nhãn xưa của Huế chủ yếu từ nhãn quý Hưng Yên tiến vào.
Riêng việc trồng nhãn đường phố ở khu Lục bộ là có chủ trương, được tổ chức trồng bài bản, nằm trong tâm thế của người Việt Nam, những trái cây ngon ngọt tiến cung thường được vua san sẻ, chia cho các phủ hoàng thân, hoàng tử, công chúa và quan viên ở kinh đô.
"Xoài nội" ăn vô nhớ đời
Ở Huế, nằm trong số trái cây thơm ngon nức tiếng khác chính là xoài. Tôi tới chùa Thánh Duyên, hỏi thăm thượng tọa trụ trì Thích Minh Chính về xoài ngự danh tiếng phía sau chùa còn trái không.
Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Túy (Thúy) Vân nổi lên trên dải cát giữa biển và đầm phá, cách Huế chừng 40 cây số vốn là quốc tự rất nổi tiếng, được xếp vào thắng cảnh đất Thần kinh thời Nguyễn.
Sư Minh Chính tỏ ý tiếc không chia sẻ được với người quan tâm như tôi về loại trái ngon đặc biệt của chùa, vì đã hết mùa. Nhà sư bày tỏ: "Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi".
Nhà sư cho biết thêm xoài tượng ở chùa có lẽ quá lâu năm, lão hóa, nên cách vài năm mới có mùa sai trái. Xoài ở đây có 2 giống: trái to và trái nhỏ khá tròn. Dù cơm mỏng, song điều đặc biệt là "hương và vị tuyệt thơm ngon, thử ăn mới biết chứ không diễn tả hết được".
Hai giống xoài tương tự ở ngôi quốc tự kể trên có rất nhiều cổ thụ tại quần thể di tích Huế, nằm rải rác trong hoàng cung, trong Tử Cấm thành, các cung miếu, vườn Cơ Hạ và lăng Gia Long...
Một cán bộ quản lý di tích tỏ ý tiếc nuối, bảo "sao không nói sớm hơn để được nếm "xoài (đại) nội" trác tuyệt?". Vị này bảo loại trái nhỏ ngon nổi tiếng nhất vẫn là cây ở hồ Tịnh Tâm. Còn trái to ngon nhất vẫn là cây ở Thế miếu và Thái miếu.
Tại hồ Tịnh Tâm, một cây xoài to lớn xanh tốt nằm trên đảo Phương Trượng ngay cạnh mặt nước. Người gác di tích Tịnh Tâm cho biết năm nay xoài rất được mùa và trái chín khá sớm, ngay từ đầu năm. "Xoài ni trái nhỏ thôi, khá tròn, cơm cũng không dày lắm nhưng vị ngọt vừa, rất thanh và rất thơm, ăn vô nhớ đời. Đúng là "xoài (đại) nội" đẳng cấp thiệt" - người này khoe...
Hầu hết xoài cổ thụ ở di tích Huế đều là giống quý có gốc gác từ tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Đặc biệt hơn cả là giống xoài xuất xứ khu vực chùa Đá Trắng (Tuy An, Phú Yên) nhiều lần theo lệ dâng tiến về kinh. Sử ghi thời Thiệu Trị cuối năm 1842, quan tỉnh Phú Yên là Lê Quốc Trinh và Nguyễn Văn Lý về kinh dâng xoài được vua khen nức.
Vua nói: "Đào tiên dâng tuổi thọ, là thứ quả ứng điềm tốt! Xưa nay các thứ quả ở Bắc kỳ, cho vải là thứ nhất, nhãn là thứ nhì; đến như xoài thì hình trạng giống quả đào, vị nó ngọt và thơm, vải và nhãn không thể sánh kịp. Ngày khánh tiết, được thứ quả quý này cũng là ít có!". Vua tự tay dâng lên bà nội, nhận sự bằng lòng kèm nhiều lời trầm trồ.
Ngày xưa vật phẩm cung tiến
Triều Nguyễn quy định các địa phương tiến cung phẩm vật phục vụ tế lễ và sử dụng trong cung: "Các quan địa phương chính tay lựa chọn lấy những thứ ngon tốt, xếp vào sọt gánh, ngoài niêm phong đánh dấu theo phép, giao trạm phái đệ đi, trước hẹn 1, 2 ngày đã đến kinh do bộ (Lễ) chuyển giao cho thị vệ chiểu nhận, hội đồng dâng lên. Năm nào khí hậu thời tiết đến muộn khác nhau sẽ tư lên bộ trả lời sẽ tuân làm".
Trong đó, tỉnh Hà Nội tiến vải; Ninh Bình và Nam Định tiến mắm rươi; Hải Dương và Thanh Hóa tiến cam đường; Cao Bằng tiến sa lê; Tuyên Quang tiến tuyết lê; Thừa Thiên tiến gạo mới và một số hoa quả; Vĩnh Long và Định Tường tiến dừa; Phú Yên tiến xoài; Bình Định tiến chanh; Quảng Nam tiến chanh và loòng boong; Quảng Bình tiến dưa hấu, bột hoàng tinh, thịt cửu khổng khô (con hàu), tương đậu và rượu dâu...
Ngoài cung tiến theo thời trân - sản vật quý từng mùa của mỗi địa phương, triều đình còn phân công các tỉnh chịu trách nhiệm thu mua các loại quả phẩm (kèm giá thành) nộp về kinh. Thời Minh Mạng định rõ: Gia Định mua long nhãn, vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, nho, cam tàu, mứt cam, mứt hồng. Hà Nội mua vải, bánh phục linh, bánh mì, mứt khoai, bánh cốm, cốm nếp.
Thừa Thiên mua vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, long nhãn, nho, mứt hồng, quýt kim tiền, loòng boong. Cao Bằng và Tuyên Quang mua tuyết lê và sa lê. Thanh Hoa (Hóa) và Hải Dương mua cam đường. Quảng Bình mua dưa hấu. Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên mua chanh. Đến thời Tự Đức thì định thêm tỉnh Quảng Ngãi mua vải, táo đỏ, táo đen, long nhãn, nho, mứt hồng...
Nhân giống cây trái từ yến tiệc vua ban
"Những dịp yến tiệc đãi các quan, bao giờ cũng có trái cây từ sản vật cung tiến, trong đó có nhãn.
Được vinh dự ăn, họ giữ gìn hạt gieo ra, nhưng gieo với tính cách cá nhân thì không thành hình thành dạng, cho nên tổ chức gieo ra để phủ bóng các tuyến đường trong Lục bộ, như vậy là có chủ trương" - nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhận định.
Trái vải từ miền Bắc cung tiến về kinh đô Huế được gắn danh thơm "vải trạng" có hương vị thơm ngon khác lạ ngày nay còn truyền. (tuoitre.vn 24/8)
2. Trấn Thành, Trường Giang ngạc nhiên với thí sinh hát nhạc Huế
Hát “Mưa trên phố Huế” trên nền nhạc hiện đại kèm beatbox, nam thí sinh xuất hiện tại “Giọng ải giọng ai” tập 9 khiến Trấn Thành, Trường Giang cùng dàn khách mời bất ngờ.
Tập 9 của Giọng ải giọng ai lên sóng với dàn khách mời trẻ tuổi. Đặc biệt, sự xuất hiện đầy đủ của bộ tứ “Cờ cá ngựa” – Trấn Thành, Trúc Nhân, Ali Hoàng Dương và Quang Trung cùng màn trình diễn ngẫu hứng ca khúc “Có không giữ, mất đừng tìm” gây ấn tượng với khán giả.
Ở vòng thi đầu tiên, chỉ qua đoạn video giới thiệu ngắn của nam thí sinh số 4, các khách mời đã đồng loạt khẳng định đây là người hát hay và cho rằng anh chàng sở hữu gương mặt sáng sân khấu. Đến vòng cuối cùng, vì không được hai ca sĩ khách mời chọn song ca nên nam thí sinh đành ra về sớm.
Đúng như dự đoán ban đầu, đây là thí sinh hát hay. Đặc biệt, anh chàng còn gây ấn tượng mạnh khi trình bày ca khúc 'Mưa trên phố Huế' với phong cách hiện đại. Từ chất giọng luyến láy ngọt ngào, đến cuối bài hát, nam thí sinh bất ngờ chuyển sang beatbox kết hợp với màn dự báo thời tiết độc đáo đã khiến các khách mời không khỏi phấn khích.
Sau màn biểu diễn, Trúc Nhân cho rằng không chọn song ca cùng thí sinh số 4 là quyết định đúng đắn vì nếu chọn, anh đã không thể xem màn trình diễn độc lạ này. Trấn Thành cũng dành nhiều lời khen cho nam thí sinh và không quên khuyên anh chàng hạn chế beatbox để giữ gìn giọng hát.
Cũng trong tập phát sóng tuần này, Trúc Nhân khiến đội đối thủ phải “cạn lời” khi tự nhận bản thân đã “chán” chiến thắng vì cả 2 lần tham gia trước, nam ca sĩ đều chọn đúng thí sinh hát hay. Lần này, giọng ca “Sáng mắt chưa” muốn thử song ca cùng thí sinh hát dở.
Tuy vậy, đến màn song ca, Trúc Nhân vẫn không khỏi “chết lặng” khi nghe được giọng hát thật của thí sinh mà anh lựa chọn. Dù sở hữu ngoại hình sáng sân khấu nhưng chàng trai ở vị trí số 6 lại có chất giọng ngang phè cùng kiểu hát “7 nốt như một”. Thậm chí, Trúc Nhân phải giật micro của nam thí sinh mỗi khi thấy anh lấn lướt phần hát của mình.
Khác với đàn anh, Ali Hoàng Dương ngay từ vòng đầu tiên đã dứt khoát chọn cô gái số 1. Đến vòng cuối cùng, nam ca sĩ đã có màn song ca đầy cảm xúc cùng nữ thí sinh với bài hát “Điều cha chưa nói” do Trấn Thành sáng tác. Các khách mời không ngừng hò reo trước sự ăn ý của cặp đôi.
Kết thúc chương trình, Ali Hoàng Dương may mắn giành chiến thắng với 50 triệu đồng tiền thưởng. Riêng Trúc Nhân, tuy ra về trắng tay nhưng nam ca sĩ vẫn hài lòng với phần song ca hài hướg mà anh đã dự tính ban đầu. (vietnamnet.vn 24/8)
3. Khi lãnh đạo tỉnh “tiên phong” diện áo dài ngũ thân
Hướng đến “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” không chỉ dừng ở tôn vinh, quảng bá nét đẹp Áo dài của người phụ nữ, mà ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng lại nét đẹp văn hóa truyền thống từ áo dài ngũ thân dành cho nam giới.
Từ sau hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” và chương trình tri ân tiền nhân chúa Nguyễn Phúc Khoát đã khai sinh ra áo dài tại TP Huế hồi tháng 7 vừa qua, việc quảng bá về chiếc áo dài ngũ thân đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều địa phương. Hơn hết, đó là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ về việc sẽ mặc áo dài truyền thống trong các dịp tiếp các Đại sứ, các đoàn ngoại giao. Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ đã mặc bộ áo ngũ thân đậm chất văn hóa truyền thống trong buổi đón tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam đến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho phía đối tác.
Chỉ cách đây mấy ngày, đoàn cán bộ nam giới của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa đặt may xong những chiếc áo dài ngũ thân. Hình ảnh đoàn cán bộ Sở chụp lưu niệm với áo dài truyền thống đã nhanh chóng được chia sẻ và nhận được sựđồng tình của cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ nam trong áo dài ngũ thân lịch lãm, trang nhã, rất phù hợp với văn hóa Huế. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đã có những đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng cường quảng bá áo dài, trong đó chú trọng đến áo dài ngũ thân truyền thống, trang phục nổi tiếng mà Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sáng tạo và Vua Minh Mạng đã đưa nó trở thành “quốc phục”. Sở sẽ là đơn vị tiên phong cho việc quảng bá về áo dài ngũ thân, không chỉ có nữ mà còn cả cán bộ nam”.
Họa sĩ Đỗ Văn Lân, một trong 40 cán bộ khối văn phòng của ngành VHTT vừa đặt may bộ áo dài ngũ thân, chia sẻ: “Tôi rất tự hào và trân quý giá trị văn hóa truyền thống của ông cha khi diện chiếc áo dài ngũ thân. Nếu lãnh đạo Sở phát động mặc áo dài vào một ngày nhất định trong tuần để đi làm, tôi sẽ là người hưởng ứng đầu tiên. Đồng thời, cũng mong muốn các cơ quan chức năng, các ban ngành khắp nơi sẽ quan tâm nhiều hơn đến áo dài ngũ thân để nó trở thành hình ảnh “nhận diện” cho đất nước mình”.
Giám đốc Sở Phan Thanh Hải cũng cho biết, tiến tới Sở cũng mạnh dạn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành cũng nên may áo dài ngũ thân để mặc trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của địa phương; đồng thời kiến nghị HĐND tỉnh (với khoảng 50 đại biểu) cũng nêu gương với việc mặc áo dài ngũ thân tại các kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong năm. Phải nêu gương, bước qua những ngại ngần ban đầu để khôi phục hình ảnh áo dài ngũ thân truyền thống của nam giới. Về phía nội bộ Sở VHTT, ông Hải cho hay, ngoài việc sẽ mặc áo dài ngũ thân tại các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của ngành, của địa phương thì Sở cũng đang cân nhắc và xem xét để có hướng vận động phù hợp về việc mặc áo dài ngũ thân đến công sở làm việc của cán bộ nam giới. Qua đó, mong muốn về lâu dài sẽ tạo được “nếp” riêng của ngành.
“Xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam không chỉ làm rõ vấn đề Huế là nguồn gốc của áo dài truyền thống, mà còn là nơi “tỏa sáng” của trang phục này. Phải xem đây là một chương trình lâu dài, có quyết tâm và chiến lược đúng, cách triển khai tốt và bền bỉ thì Huế sẽ thực hiện được đề án này. Nếu chúng ta chỉ thực hiện được các chương trình nghệ thuật, các hoạt động mang tính chất ngắn hạn thì khó mà phục hồi được thương hiệu áo dài truyền thống”, ông Hải nhấn mạnh. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt đã từng góp ý rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu, xem xét việc mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước. Dù trang phục áo dài truyền thống hay cách tân đều phải mang tính thẩm mỹ cao, phải giữ được bản sắc văn hóa.
“Để Áo dài lan tỏa hơn, cần bước đầu quy định cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa mặc áo dài khi thực hiện nhiệm vụ. Trang phục cần quy định cụ thể như một dạng lễ phục (kiểu dáng, màu sắc, chức vụ)”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.
Chúng tôi đã có những đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng cường quảng bá áo dài, trong đó chú trọng đến áo dài ngũ thân truyền thống, trang phục nổi tiếng mà Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sáng tạo và Vua Minh Mạng đã đưa nó trở thành “quốc phục”. Sở sẽ là đơn vị tiên phong cho việc quảng bá về áo dài ngũ thân, không chỉ có nữ mà còn cả cán bộ nam.
(Ông PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế) (baovanhoa.vn 24/8)
4. Nâng tầm áo dài Huế
“Đưa áo dài đến gần cộng đồng hơn, đồng thời tạo tiền đề xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trước khi trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là nội dung được tập trung mổ xẻ tại Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, tổ chức tại TP Huế.
Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục. Riêng Huế, từng là Thủ phủ xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Tuy nhiên, chưa ai xác định rõ lai lịch áo dài truyền thống Việt Nam bắt đầu từ đâu. Dựa các tư liệu lịch sử, các đại biểu tham dự hội thảo có chung nhận định, sau khi đúc Ấn quốc lên ngôi vương ở Phú Xuân, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong giai đoạn 1738-1765, đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi làm sao cho y phục xứ Đàng Trong khác với Đàng Ngoài của vua Lê, chúa Trịnh ở phía Bắc sông Gianh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là người chủ trương cải cách trang phục dân gian Đàng Trong để tạo ra diện mạo mới của vương quốc. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rằng vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh "Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở". Một số nhà nghiên cứu khác nhìn nhận, nếu Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài, vua Minh Mạng, vị Hoàng đế thứ 2 của Triều Nguyễn, lại có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là Kinh đô áo dài.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng ở hình thức, còn phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang hưng thịnh. Áo dài trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục của dân tộc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bổ sung, ngoài đặc điểm chung của áo dài Việt Nam, áo dài xứ Huế có những đặc trưng riêng: “Áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con…”.
Huế - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện, tạo ra những tà áo dài tinh tế, sắc sảo, cùng đội ngũ thợ may chuyên nghiệp, đã thể hiện rõ vị trí và vai trò áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử. Song làm thế nào để xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, còn nhiều việc phải làm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói, để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất cố đô Huế, ngoài vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài trong sinh hoạt, Thừa Thiên - Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, như tổ chức Ngày hội áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia; khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế; xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế; khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế…
Liên quan chuyện áo dài nam, nhiều người cho rằng, áo dài nữ đặc sắc, nhưng áo dài nam cũng cần được phổ biến nhiều hơn, như là quốc phục của đàn ông Việt. Câu chuyện cách tân áo dài, nhiều ý kiến cho rằng không thể cấm cản vì đó là quyền sáng tạo của nhà thiết kế. Nhưng cần rành mạch gọi đó là áo dài trình diễn, còn áo dài đưa vào hồ sơ trình UNESCO phải có chuẩn. TS. Thái Kim Lan (CHLB Đức) chia sẻ: “Chiếc áo dài đã trải qua nhiều biến đổi và mỗi lần biến đổi đều có nét đẹp riêng. Tôi cũng rất thích sự thay đổi, nhưng với chiếc áo dài, tôi cũng bảo thủ ở chỗ mình phải giữ chiếc áo dài đúng cung cách truyền thống. Tôi đồng tình với việc Huế khôi phục truyền thống mặc áo dài”.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, cho biết quá trình nghiên cứu tìm hiểu về chiếc áo dài nam, ông bất ngờ vì đó là chiếc áo dài “ngũ thân” của triều Nguyễn. Việc khôi phục áo dài nam không đâu khác ngoài áo dài của Huế. “Với vị thế là quê hương của áo dài, Thừa Thiên - Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam; tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình gợi mở.
Các nhà nghiên cứu và đại biểu còn đề xuất ý tưởng, định hướng phát triển áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam thông qua việc thành lập “Bảo tàng Áo dài”; tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm trong mỗi người về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa và áo dài Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Địa phương sẽ triển khai các giải pháp khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ các dịp lễ nghi, có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn và khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam”. (saigondautu.com.vn 25/8)
5. Thừa Thiên Huế: Dấu ấn từ những di tích lịch sử
Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước cách mạng vẻ vang. Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh tích cực bảo quản, tu bổ, khôi phục, phát huy giá trị các di tích và điểm di tích lịch sử liên quan đến mùa Thu tháng Tám hào hùng của hơn 7 thập kỷ trước ở mảnh đất cố đô.
Nhà ông Lê Tư Minh – trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế (1942-1945)
Trao đổi với PV. Báo Công Thương - ông Ngô Minh Thuấn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế - cho biết: Có rất nhiều di tích và địa điểm di tích lịch sử cách mạng nhưng nếu nhắc đến những địa điểm mang dấu ấn đậm nét liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì phải để đến đầm Vĩnh Tu, nhà ông Lê Tư Minh – trụ sở bí mật của tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế giai đoạn 1942-1945, đầm Cầu Hai, Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế…
Ông Thuấn cho biết, trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, chưa có cơ sở vật chất trang thiết bị tốt để làm việc, lại phải hoạt động bí mật nên đã sử dụng ngôi nhà của đồng chí Lê Minh (Lê Tư Minh) làm nơi hoạt động và làm việc tạm thời, đó là điều cần thiết lúc bấy giờ.
Từ năm 1942, ngôi nhà đã trở thành nơi hội họp bàn định kế hoạch in ấn tài liệu phân phối cho các cở sở. Tờ báo "Đuổi giặc", báo "Vì nước", "Vì dân" các truyền đơn, điều lệ Đảng cũng được in ra từ ngôi nhà này. Đồng thời đây còn là trụ sở liên lạc, nơi kết nối hoạt động của xứ ủy Trung kỳ với các tỉnh thành. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên về căn nhà này để hoạt động và chỉ đạo phong trào.
Trải qua một thời gian dài chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế vẫn còn khá nguyên trạng. Trong nhà còn lưu giữ các hiện vật mang dấu ấn lịch sử gắn liền với các nhân vật lịch sử, cùng với những di vật, những điểm di tích liên quan đến sự kiện lịch sử của địa phương.
Với bao thăng trầm biến cố lịch sử, nhưng ngôi nhà đồng chí Lê Tư Minh và những hiện vật còn lưu giữ nơi đây là minh chứng hùng hồn cho quá trình hoạt động của cơ quan tỉnh ủy. Chính từ căn nhà này, những chỉ thị, chủ trương của Trung ương Đảng nói chung và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nói riêng đã được truyền tới nhân dân. Hoạt động cơ quan tỉnh ủy trong thời gian ở đây làm tiền đề quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công ở Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Viết Hiền – Bí thư xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Hiện nay chính quyền địa phương và con cháu trong dòng tộc họ Lê vẫn chăm chút ngôi nhà để giới thiệu cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau một di tích cách mạng của quê hương Vinh Giang nay là xã Giang Hải anh hùng.
Tu bổ, tôn tạo các công trình di tích
Thời gian qua, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan đã rất cố gắng để bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, điểm di tích lịch sử liên quan đến cách mạng tháng Tám trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do thời gian, nhiều di tích, điểm di tích lịch sử đã xuống cấp trầm trọng.
Đánh giá hiện trạng cũng như đề ra phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nằm ngoài quần thể di tích Cố đô Huế của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, có 123 di tích cần phải bảo quản, tu bổ và phục hồi. Trong đó, có không ít các điểm di tích lịch sử liên quan đến Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2020 - 2025, sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 66 di tích (5 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh); hoàn thành công tác cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Từ năm 2026 – 2030, tiếp tục tu bổ, tôn tạo và phục hồi khoảng 57 di tích (26 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh).
Nhà ông Lê Tư Minh –trụ sở bí mật Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế giai đoạn 1942-1945 hiện nằm tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - thông tin: Ngoài huy động thêm nguồn lực xã hội, các đơn vị, địa phương được giao trực tiếp quản lý di tích cần chủ động cân đối nguồn vốn để bố trí kinh phí hàng năm cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tập trung, không bố trí kinh phí phân tán, dàn trải; sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; áp dụng các chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 38 công trình di tích tại các huyện, thị, TP. Huế với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 22 tỷ đồng; xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng. (congthuong.vn 24/8)
XÃ HỘI
1. Tiếp sức nhà ở xã hội
Chương trình cho vay nhà ở xã hội (NOXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để xây dựng, mua NOXH, góp phần bảo đảm an sinh.
Nhu cầu lớn
Kết quả khảo sát từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có hơn 111.000 người dân có nhu cầu về NOXH. Dự báo nhu cầu nhà ở từ chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến 2025 cho thấy, giai đoạn 2018-2020 toàn tỉnh cần khoảng 675.975m2 sàn NOXH. Trong đó, đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 215.897m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 221.400m2 sàn; cán bộ, công chức, viên chức 15.000m2 sàn... Riêng năm 2020, nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 94.931m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 15.000m2 sàn...
Nhu cầu lớn, trong khi giá đất, NOXH đều đang ở mức cao. Hầu hết các khu vực, nhất là khu vực phía nam, đông nam các giao dịch nhà đất rất sôi động. Các dự án đất nền ở các huyện, thị xã lân cận thành phố về phía đông nam như: Phú Vang, Hương Thủy phát triển mạnh, trong đó giá đất khu quy hoạch Xuân Phú đang ở mức 35 triệu đồng/m2; đất khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân 12 - 16 triệu đồng/m2... Những khu dân cư trong thành phố, vùng ven giá đất cũng đang ở mức cao từ 5-10 triệu đồng/m2. NOXH đang trong thời kỳ “bão giá” khi 1m2 đang dao động ở mức từ 12-15 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn đang là nỗi lo của nhiều người dân chưa có đất, nhà để định cư.
Với cán bộ công chức, người lao động rất khó để có thể mua đất làm nhà nếu không vay vốn. Tuy nhiên hiện lãi suất vay thương mại có thế chấp trên địa bàn cũng đang dao động từ 8-10%/năm, gây áp lực không nhỏ cho người dân.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tiến (Phòng Tài chính huyện A Lưới) khá chật vật khi nghĩ đến chuyện làm nhà. Theo anh Tiến, thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng nên không có đủ tiền xây nhà. Trước khi quyết định xây nhà, hai vợ chồng đã đi tham khảo vay tiền từ nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, do lãi suất cao, thủ tục phức tạp nên đành tạm gác lại giấc mơ nhà mới. Sau này khi một người bạn giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay xây dựng NOXH, anh đã tìm đến NHCSXH huyện A Lưới nhờ cán bộ phòng tư vấn. Kết quả, anh đã được vay 266 triệu đồng để làm nhà trên tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
“Mặc dù số tiền vay không được nhiều nhưng lãi suất thấp hơn so với vay ở ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để vợ chồng tôi thực hiện giấc mơ có nơi an cư” anh Tiến nói. Hiện, ngôi nhà của hai vợ chồng anh Tiến đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị dọn vào ở.
Chỉ tính riêng địa bàn huyện A Lưới có 10 hộ vay vốn theo chương trình này đã hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, qua rà soát các đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện thì số người có nhu cầu vay nguồn vốn còn rất nhiều.
35 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội năm 2020
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới thông tin: Đối tượng được vay theo Nghị định 100 là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp; trong các cơ quan, đơn vị ngành quân đội, công an; cán bộ, công chức, viên chức. Đây là chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, nên việc xét duyệt hồ sơ vay vốn cũng như việc thẩm định hồ sơ để giải ngân đều được làm rất kỹ.
Số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tổng dư nợ cho vay chương trình NOXH trên địa bàn tỉnh là 63 tỷ đồng với 225 hộ vay. Năm 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng cho vay chương trình NOXH là 35 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Văn Đức Thọ chia sẻ: Chương trình cho vay NOXH hầu hết đối tượng cho vay phải có thu nhập ổn định và đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền trên đất nên hạn chế được rủi ro trong hoạt động tín dụng. Với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn từ chương trình cho vay NOXH đã giúp nhiều gia đình chính sách, công chức, viên chức thu nhập thấp có điều kiện xây dựng nhà ở ổn định, yên tâm làm việc, lao động. Hiệu quả chương trình đang góp phần tích cực giúp người thu nhập thấp an cư. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chương trình vay vốn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn cho vay còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân còn lớn.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Aranya Việt Nam chủ đầu tư dự án NOXH Aranya, rất ít người mua nhà của công ty tiếp cận được gói vay vốn này. Ngay cả chủ đầu tư cũng không tiếp cận được khoản vay vốn NOXH nào để phát triển dự án, điều này gây không ít khó khăn trong khi chủ trương của tỉnh và Trung ương đều yêu cầu đẩy mạnh phát triển NOXH.
Được biết mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho NHCSXH và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Nếu nguồn vốn này triển khai sớm cho các ngân hàng sẽ có thêm nhiều người có thu nhập thấp được tiếp cận vay vốn mua NOXH. (baothuathienhue.vn 25/8)
2. Băn khoăn chế độ bảo hiểm xã hội trong dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp lẫn người lao động lao đao. Đây cũng là lúc họ quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho lao động
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoặc hoạt động “cầm hơi”. Vì thế, người lao động lâm vào cảnh nghỉ chờ việc, hoặc mất việc. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động tỏ ra lo ngại vì việc thực hiện BHXH cho lao động, nhất là những trường hợp doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh, cơ quan BHXH đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19. Tính đến ngày 30/6/2020, Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 4.883 lao động. Với những doanh nghiệp này, nếu không có dấu hiệu vi phạm sẽ không thanh tra chuyên ngành hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… cơ quan BHXH tỉnh vẫn sẽ thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN cũng như kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Chi trả lương hưu tại nhà cho cán bộ hưu trí
Trong bối cảnh này, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã giúp doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Nhiều công ty gặp khó trong giai đoạn dịch bệnh đã khuyến khích nhân viên xin thôi việc để được nhận BHTN. Tuy nhiên, lao động ở các đơn vị âu lo khi đi làm trở lại, họ có được đóng BHXH tiếp hay phải đóng lại từ đầu? Theo ông Nguyễn Viết Dũng, người lao động sẽ đóng tiếp vào sổ BHXH đang có, quá trình tham gia, BHTN được tính cộng dồn theo thời gian chưa hưởng. Tuy nhiên, ông Dũng khuyến cáo, dẫu khó khăn nhưng lao động không nên làm thủ tục nhận BHXH 1 lần vì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Tình trạng doanh nghiệp tạm đóng cửa, NLĐ phải ngừng và doanh nghiệp chỉ hỗ trợ một ít tiền cho lao động. Thực trạng này đã phản ảnh đến các ngành liên quan. Đại diện BHXH tỉnh cho rằng, doanh nghiệp làm như vậy là không đúng luật lao động. Theo hướng dẫn của Bộ Lao động TB&XH, nếu dịch bệnh kéo dài thì doanh nghiệp và người lao động có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định. Tuy nhiên, phải trả lương cho NLĐ nhưng không được thấp hơn mức lương người tối thiểu vùng.
Đảm bảo quyền lợi về BHYT
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người tự cách ly ở nhà, vậy họ có được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không? Theo BHXH tỉnh, tại Điều 25 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau, đối với người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm thì không phải là trường hợp ốm đau. Còn với trường hợp có người thân hiện đang được cách ly vì nhiễm COVID -19 nếu đang tham gia BHXH thì hoàn toàn được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
BHXH tỉnh thông tin thêm: Người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước chi trả. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho COVID -19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT vẫn sẽ được cơ quan BHXH chi trả 100%.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế… cũng được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu (trừ chi phí đã được ngân sách Nhà nước chi trả).
Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB có người bệnh bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19, cơ quan BHXH đã thực hiện việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch.
Thời điểm này, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đang có những hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Những khoản lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN, thanh toán chi phí BHYT từ lâu đã là chỗ dựa của người lao động thì nay càng thêm ý nghĩa và nhân văn. (baothuathienhue.vn 25/8)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Sẵn sàng các tiêu chí an toàn trong mùa dịch khi học sinh, sinh viên trở lại trường
Sáng 24/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đến nay trên địa bàn tỉnh dù tình hình dịch dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, chưa xuất hiện ca lây nhiễm, tuy nhiên diễn biến vẫn còn phức tạp, cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, quan điểm của tỉnh là không lơ là, chủ quan, có đánh giá một cách thấu đáo và giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện đảm bảo các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch, đặc biệt là trong ngành giáo dục để sẵn sàng cho năm học mới.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm học 2020-2021 đang đến gần, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương thì điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay chính là làm sao để bảo đảm an toàn phòng dịch cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Đặc biệt là đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương có nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, lượng học sinh, sinh viên từ các nơi đổ về rất đông, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải được tăng cường; các phương án chuẩn bị càng kỹ càng thì càng đảm bảo an toàn với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên và giáo viên lên trên hết.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế rà soát lại tất các các khâu, đảm bảo an toàn tại các trường học, khu ký túc xá, yêu cầu học sinh đến từ ngoại tỉnh phải khai báo y tế đầy đủ. Đối với trường nào khó khăn, chưa đảm bảo an toàn thì phải có kế hoạch để hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bến xe, nhà hàng... nếu đơn vị nào không đáp ứng các tiêu chỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì phải yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động và lãnh đạo địa phương, ban ngành liên quan phải chịu trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát này.
“Trong thời điểm này, các chốt kiểm soát y tế vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động nghiêm túc và hiệu quả, các địa phương vẫn phải duy trì phương châm “đi tường ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, với quan điểm "lọt sàn xuống nia", cần phải kiểm soát nhiều lớp, hạn chế thấp nhất việc bỏ sót đối tượng vào địa bàn. Cùng với phòng chống dịch phải đảm bảo chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nông dân, nông thôn; đảm bảo tốt thu hoạch vụ hè thu và phòng chống an toàn trong mùa mưa bão sắp đến”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 24/8)
2. Thừa Thiên Huế chốt thời điểm khai giảng năm học mới 2020 – 2021
Chiều 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo quyết định nêu trên, học sinh các khối mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tựu trường vào ngày 1/9/2020 và khai giảng vào ngày 5/9/2020. Riêng giáo dục mầm non, tựu trường và khai giảng vào ngày 5/9/2020.
Học kỳ 1 sẽ kết thúc trước ngày 16/1/2021 và hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2021; Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021; xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở hoàn thành trước ngày 15/6/2021; hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp học phổ thông trước ngày 31/7/2021.
Cũng theo kế hoạch vừa ban hành, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi học sinh giỏi và thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham mưu thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài trong năm học trong trường hợp đặc biệt; Quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
Liên quan công tác giáo dục, tại các cuộc họp giao ban trực tuyến định kỳ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh vào ngày 23 và 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện các tiêu chí trường học an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo khai giảng năm học mới an toàn.
Đại học Huế khởi động Khu cách ly y tế tập trung để thực hiện cách ly đối với học viên, sinh viên về nhập học từ các vùng có dịch; chỉ đạo các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc có kế hoạch thông báo sớm (trước 14 ngày) và rà soát, lập danh sách học viên, sinh viên từ các vùng dịch sẽ đến thi học kỳ, thi tốt nghiệp, nhập học để có phương án tiếp nhận qua các chốt kiểm tra liên ngành, đưa về cách ly y tế tập trung theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong trường học; rà soát, lập danh sách học sinh, sinh viên từ các vùng dịch sẽ đến nhập học để có phương án tiếp nhận qua các chốt kiểm tra liên ngành, đưa về cách ly y tế tập trung theo quy định.
Trường Đại học Phú Xuân và Học viện Âm nhạc rà soát, lập danh sách học viên, sinh viên từ các vùng dịch sẽ đến nhập học để có phương án tiếp nhận qua các chốt kiểm tra liên ngành, đưa về cách ly y tế tập trung theo quy định. (baodansinh.vn 24/8)
3. Hồ Việt Đức đạt huy chương Vàng sinh học quốc tế lần thứ 31
Tin vui đối với giáo dục Thừa Thiên Huế khi Hồ Việt Đức, học sinh lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã đạt huy chương vàng sinh học quốc tế lần thứ 31 do Nhật Bản đăng cai tổ chức.
Sau Trương Đông Hưng, đây là huy chương vàng sinh học Quốc tế (IBO) thứ hai của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội tuyển ở các quốc gia dự thi theo hình thức thi trực tuyến (Remote Access Exam) theo đúng Quy chế của Olympic sinh học quốc tế. Đội tuyển Việt Nam dự thi tại Hà Nội và được quản lý, theo dõi trực tuyến qua hệ thống camera với chế độ thời gian thực của Ban tổ chức Olympic Sinh học tại Nhật Bản.
Hồ Việt Đức là học sinh đã từng đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Năm học 2017 – 2018, Việt Đức đạt Huy chương vàng tại cuộc thi Olympic dành cho học sinh các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Năm học 2018 – 2019, Đức dành giải Nhất cấp tỉnh; giải Nhì cấp quốc gia. Đặc biệt, trong kì thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 – 2020, Hồ Việt Đức giành giải Nhất môn sinh học. (baothuathienhue.vn 24/8, nld.com.vn 24/8, toquoc.vn 24/8)
XÂY DỰNG
1. Cung An Định: Di sản kiến trúc cố đô Huế
Sự kết hợp vô cùng độc đáo giữa hai nền kiến trúc Á- Âu của cung An Định luôn thu hút du khách thập phương ghé thăm. Với tổng diện tích lên tới gần 24.000m², cung điện cổ là một tổ hợp nhiều công trình khác nhau.
Cung An Định được xây dựng vào năm 1917, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp kiến trúc truyền thống cung đình. Đây là nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi nhà vua thoái vị. Đặc biệt, cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung – vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Cung An Định nằm trên một vùng đất bằng phẳng, ngay bên cạnh là dòng sông An Thịnh chảy hiền hòa quanh năm. Nơi đây đã chính thức mở cửa cho du khách vào tham quan từ lâu. Tuy nhiên chỉ thời gian gần đây, nơi này mới thực sự trở thành điểm tham quan được các bạn trẻ đua nhau tìm đến. Hiện, cung còn 3 công trình vẫn còn tồn tại là: cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Dù không còn giữ được nét mới mẻ, song giá trị kiến trúc của An Định vẫn chưa bao giờ khiến du khách hết trầm trồ.
Sau gần nửa thế kỷ bị rơi vào quên lãng, dưới tác động của thời gian, của chiến tranh, vẻ đẹp của cung An Định dần bị phủ lấp, thậm chí bị hủy hoại.Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ.
Hiện nay, cung An Định là di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Du khách có thể kết hợp đi thăm các địa điểm khác tại cố đô Huế như: Đàn Nam Giao, Hoàng Cung Huế, Lăng Minh Mạng/ Tự Đức/ Khải Định… Sau khi tham quan chụp ảnh tại cung An Định, bạn đừng quên thưởng thức ẩm thực tại xứ Huế mộng mơ. Tại đây có vô số nhà hàng, quán ăn mang hương vị đặc trưng của cố đô cho các bạn thỏa sức khám phá.
Trong các dịp Festival Huế, cung An Định luôn là một trong những địa điểm quan trọng diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày cổ vật... thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan đến Huế, góp phần không nhỏ làm nên thành công của các kỳ lễ hội Festival Huế. (petrotimes.vn 25/8)
Y TẾ
1. Đại học Huế sẽ cách ly sinh viên đến từ vùng dịch nhập học
Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn chỉ đạo yêu cầu ĐH Huế khởi động khu cách ly tập trung để đón các học viên, sinh viên đến từ vùng dịch vào Huế nhập học và học tập trở lại
Chiều 24-8, tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thông tin trên.
Theo đó, Đại học Huế được yêu cầu khởi động khu cách ly y tế tập trung để thực hiện cách ly đối với học viên, sinh viên về nhập học từ các vùng có dịch; chỉ đạo các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc có kế hoạch thông báo sớm (trước 14 ngày) và rà soát, lập danh sách học viên, sinh viên từ các vùng dịch sẽ đến thi học kỳ, thi tốt nghiệp, nhập học để có phương án tiếp nhận qua các chốt kiểm tra liên ngành, đưa về cách ly y tế tập trung theo quy định.
Đại học Huế hiện có 8 trường thành viên, 4 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu tại Quảng Trị (hiện đang là vùng có dịch COVID-19).
Một số lượng lớn sinh viên đang học ở Đại học Huế hiện nay đến từ các tỉnh đang có dịch ở miền Trung như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, học sinh trên địa bàn tỉnh này sẽ tựu trường vào ngày 1-9 và khai giảng vào ngày 5-9. Riêng với giáo dục mầm non, tựu trường và khai giảng vào ngày 5-9. Năm học sẽ kết thúc vào ngày 31-5-2021. (tuoitre.vn 24/8)
2. Không để xảy ra chậm phát hiện lây nhiễm dịch COVID-19
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21/8.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các ngành y tế, quân đội, công an, các đoàn thể, cấp ủy và chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có dịch và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế đã nỗ lực, cố gắng thực hiện quyết liệt, bài bản, kịp thời các giải pháp phù hợp, trong đó có nhiều giải pháp mới, sáng tạo và đạt thành công bước đầu, kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động, kể cả tại các địa bàn có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng như Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hải Dương và các thành phố lớn. Năng lực ứng phó với dịch bệnh được nâng lên rõ rệt.
Hoạt động phòng, chống dịch tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ của các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kể cả người nước ngoài cho các địa phương đang có dịch. Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng đã tiếp tục chủ động, phối hợp tốt, chỉ đạo linh hoạt việc phòng chống dịch, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế - xã hội, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến xấu trên thế giới. Nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng vẫn hiện hữu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện với kết quả tối ưu cả 2 nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.
Tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh
Về phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện; tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh.
Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, trong phạm vi quản lý. Phải tập trung, dồn lực, kiên quyết thực hiện các giải pháp phù hợp phòng chống dịch. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.
Phát huy các kinh nghiệm quý như thần tốc chỉ đạo, truy vết và xét nghiệm nhanh trên diện rộng; truyền thông sâu rộng, minh bạch, kịp thời; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân.
Duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới ở mức cần thiết, không để đình trệ, đứt gãy. Các cơ sở sản xuất phải có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, phòng dịch chặt chẽ, không để ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ an toàn các cơ sở y tế
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo: Nâng cao năng lực xét nghiệm của toàn hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm; có phương án bảo đảm phát hiện nhanh nguy cơ dịch bệnh từ các trường hợp có biểu hiện nhỏ nhất; rà soát, chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm năng lực ứng phó của hệ thống y tế, nhất là tại các thành phố lớn khi có tình huống gia tăng các bệnh nhân nặng. Cần tập trung bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi… khi bị lây COVID-19 dễ dẫn đến tử vong; quy định, hướng dẫn, khuyến cáo các biện pháp tự bảo vệ đối với bệnh nhân ngoại trú.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ an toàn các cơ sở y tế. Phải rút kinh nghiệm về việc để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh tại một số bệnh viện vừa qua. Không để xảy ra các ổ dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Tất cả các cơ sở y tế phải có quy trình chặt chẽ tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, phân luồng, tuyến phù hợp. Tăng cường tập huấn trực tuyến nâng cao ý thức, tay nghề, năng lực ứng phó của đội ngũ cán bộ y tế tại tất cả các cơ sở y tế (từ trạm y tế cấp xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối) bảo đảm phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả với mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh COVID-19.
Đồng thời, chú trọng củng cố, phát triển hệ thống y tế dự phòng. Triển khai mạnh việc khám bệnh từ xa, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.
Khuyến cáo mạnh mẽ về việc khai báo y tế điện tử
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tích cực truyền thông và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tại trường học, bệnh viện, nơi đông người, trên phương tiện công cộng…, dần hình thành nếp văn hóa này trong điều kiện có dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chế tài và thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định; khuyến cáo mạnh mẽ về việc khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng phần mềm truy vết Bluezone.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép người nhập cảnh kể cả ở các tuyến biên giới, cửa khẩu và trong nội địa; xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch trong việc cách ly phù hợp các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao… nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
Các địa phương có phương án tổ chức khai giảng và tiến hành năm học mới linh hoạt, phù hợp
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án tổ chức đợt còn lại của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn; chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức khai giảng và tiến hành năm học mới linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm an toàn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hoàn chỉnh, trình Thường trực Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các chính sách, có quy trình thuận lợi hơn nữa kịp thời hỗ trợ người lao động mất việc làm, không có thu nhập.
Theo VPCP (baothuathienhue.vn 25/8)
3. Tiếp sức mạnh phòng chống COVID
Những ngày này, cả cộng đồng đều chung tay phòng chống dịch COVID – 19. Tiếp thêm nguồn động lực, những bài thơ, điệu nhảy ra đời, góp thêm sức mạnh để phòng tuyến ấy thêm vững chắc.
Tiếng thơ
Từ cuối tháng 7 đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Nam (Trường THCS thị trấn Khe Tre, Nam Đông) đã sáng tác 4 bài thơ cổ vũ, động viên tinh thần phòng chống dịch bệnh. Dù là là giáo viên dạy mỹ thuật, nhưng với tình yêu thơ văn và tấm lòng của mình, cô Nam chia sẻ: “Thơ là cách để mình gửi gắm tình cảm, sự động viên đến các lực lượng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Đây đều là những cảm xúc khi mình dõi theo diễn biến của những ca bệnh và sự hy sinh lặng thầm của đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ”.
Bài đầu tiên được cô giáo sáng tác lúc Đà Nẵng đang quyết liệt ứng phó COVID-19 với tựa đề “Gửi Đà Nẵng”: “Đà Nẵng ơi hôm nay bạn thế nào?/Bình yên nhé! Ơi miền Trung nhỏ bé/Tôi biết bạn luôn kiên cường mạnh mẽ/Vững niềm tin chiến thắng sớm thôi mà”.
Rồi khi Tổ quốc dang tay đón những chuyến bay chở đồng bào về nước, những vần thơ của cô giáo lay động, rưng rưng cảm xúc tự hào: “Có đất nước nào như đất nước tôi không/Một đất nước duy nhất trên hành tinh có chung ngày giỗ tổ/Một đất nước chiến tranh không run sợ/Dịch bệnh thiên tai không chùn bước cúi đầu/Có đất nước nào nghĩa nặng tình sâu/Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Để rồi “Giữa tâm dịch hiên ngang đón hàng ngàn người dân về nước/Lo ngủ lo ăn tận tình săn sóc/Quyết không bỏ sót một ai - đấy người ta gọi là tình người!”.
Cô giáo vùng cao bồi hồi: “Thật sự có những khoảnh khắc tôi nghẹn lại, đó là hình ảnh đội ngũ y bác sĩ, những chiến sĩ đương đầu với gian khó. Những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, những giấc ngủ vội vàng. Họ còn cả gia đình, nhưng chấp nhận vào “trận chiến” với tinh thần cao nhất”.
Từ niềm cảm phục ấy, bài thơ thứ 3 của cô giáo dạy mỹ thuật ra đời, lung linh, ấm áp vì lời hứa cũng chính là cái tên Hẹn con ngày thành phố bình yên!: “Đừng khóc nhé, đừng khóc nhé bé con/Ba vững đôi chân bên cửa rừng chặn chốt/Trong bệnh viện mẹ giành giật từng hơi thở chặn từng cơn sốt/Bệnh nhân của mẹ cũng có vài chiến binh chạc tuổi con/Hãy để dành nước mắt cho ngày gặp lại ý nghĩa hơn/Mình sẽ khóc trong niềm vui sướng nhất/Cả nhà ta lại quây quần hạnh phúc/Ba làm ngựa cho con ngồi mẹ làm bánh nấu cơm”.
Truyền động lực qua bước nhảy
Những ý thơ dạt dào cảm xúc của một giáo viên vùng cao rung động bao nhiêu thì từng bước nhảy của các đoàn sinh tại Gia đình Phật tử Sơn Nguyên (huyện A Lưới) trong video clip tự quay và biểu diễn cũng đầy ý chí và khát vọng bấy nhiêu. Video clip Việt Nam ơi! Đánh bay COVID của những bạn trẻ vùng núi đã trở thành 1 trong 20 clip trên toàn quốc góp mặt vào MV chính thức của nhạc sĩ, ca sĩ Minh Beta.
Lê Văn Ngọc Oanh, một đoàn sinh tham gia quay clip nhảy chia sẻ: “Chúng tôi chọn bài hát này để làm điệu nhảy cổ vũ tinh thần cho tất cả mọi người trong thời gian gồng mình chống dịch. Hy vọng đó là một chút công sức cho nhỏ và cũng là mong ước của chúng tôi: Việt Nam ơi – đánh bay COVID”.
Ca khúc Việt Nam ơi! Đánh bay COVID của nhạc sĩ, ca sĩ Minh Beta từ lúc ra mắt đến nay đã đạt hơn 7 triệu lượt xem trên Youtube. Dù xuất hiện chung với những clip khác trên toàn quốc nhưng hình ảnh thân thương, đoàn kết của 9 đoàn sinh tại Nhà sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiếu số tại trung tâm huyện A Lưới đã để lại ấn tượng đẹp trong MV này. Đó là đôi tay rắn chắc, kiên cường trước những khó khăn, thách thức. Là nửa gương mặt bị che bởi khẩu trang nhưng ánh mắt mỗi đoàn sinh đều chứa chan niềm tin, hy vọng.
Trong thời điểm cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, những bài thơ chứa chan tình người, những điệu nhảy tràn đầy niềm tin ấy đã góp thêm sức mạnh, làm vững chắc hơn những phòng tuyến ngăn chặn COVID – 19. Dễ thấm vào lòng, gợi khêu sự kết nối, san sẻ, cô Nam, những đoàn sinh tại GĐPT Sơn Nguyên và rất nhiều những con người nhỏ bé khác đã và đang gửi gắm mong muốn của mình thơ ca, điệu nhảy. Giúp truyền niềm tin, nghị lực, động viên kịp thời, kịp lúc, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi COVID! (baothuathienhue.vn 24/8)
4. Bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới
Ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Công văn về việc triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban ATGT cấp huyện triển khai "Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9"; phối hợp với các trường đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức ký cam kết giữa gia đình và nhà trường về giáo dục và bảo đảm ATGT cho học sinh; tuyệt đối không để trẻ em điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để nâng cao ý thức người dân; không lái xe khi đã uống rượu bia, sử dụng chất ma túy; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện và các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, tai nạn đò ngang, tai nạn đường sắt.
Công an tỉnh chủ trì, tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý phương tiện, đảm bảo trật tự, ATGT theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh; trong đó cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe khách, xe tải nặng, xe container vào ban đêm...
Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; kịp thời khắc phục các công trình bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị phản quang tại vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. (baothuathienhue.vn 24/8)
5. Đôi chân không mệt mỏi… trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Sáng chủ nhật 23/8, cả thành phố Huế chưa sáng rõ, đại lộ Trần Hưng Đạo còn thưa thớt người qua lại. Chợ Đông Ba (Huế) vẫn đang ngái ngủ, chỉ riêng khu vực đường Chương Dương bên bờ sông Hương nơi tập trung buôn, bán hàng thực phẩm tươi sống... là đông đúc. Không ai biết đang len chân trong dòng người tấp nập đó, có 2 vị chủ tịch tỉnh và thành phố.
Anh Phan Ngọc Minh- cán bộ VP UBND tỉnh TT Huế xúc động cho biết, xác định chợ là nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, dù là ngày nghỉ nhưng sáng sớm Chủ nhật, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã “rủ” lãnh đạo thành phố Huế đi “thăm” công tác phòng chống dịch COVID-19 tại chợ Đông Ba.
Anh em Văn phòng UBND tỉnh thì không có gì bất ngờ vì chuyện ngày nghỉ vẫn bị “bắt cóc” theo chủ tịch đi vi hành đã quen rồi nên chị Trâm (Chánh Văn phòng), anh Bách (Phó Văn phòng)… chỉ cần nhận điện thoại là có ngay nhưng với BQL chợ, UBND phường thì đúng là bất ngờ thật.
Tuy không đông người, đi rất lặng lẽ, bịt kín khẩu trang, nhưng nhiều tiểu thương, khách mua bán vẫn nhận ra chủ tịch Thọ và anh Hoàng Hải Minh (chủ tịch UBND TP Huế), họ mừng rỡ đưa tay chào… Đáp lại, hai người chúc các tiểu thương mua may bán thuận, đeo khẩu trang... Ông cũng yêu cầu các hộ kinh doanh, tiểu thương kiên quyết từ chối phục vụ những khách hàng không mang khẩu trang, không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Ông còn, hướng dẫn tiểu thương, người dân trong chợ cài đặt ứng dụng Bluezone theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Đi vòng quanh chợ, 2 vị chủ tịch tỉnh và Thành phố còn thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong công tác chỉnh trang khu vực xung quanh chợ, vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, tổ chức trồng hoa, phát quang nhằm tạo không gian xanh cho phía bờ sông, mặt sau chợ Đông Ba…
Đi dọc bờ sông Hương, nhìn người dân đang tập thể dục, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND thành phố Huế tiếp tục thực hiện các hạng mục chỉnh trang, lắp đặt thêm các dụng cụ thể thao công cộng phục vụ người dân, bổ sung thêm hoa và cây xanh, tạo thêm nhiều không gian cho người dân hưởng thụ, làm cho Huế ngày càng đẹp hơn.
Trước đó, ngày thứ bảy 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã dong ruỗi cả ngày đi kiểm tra các trạm y tế, Trung tâm y tế cấp huyện, bệnh viện phổi, bệnh viện phong - da liễu về công tác phòng chống dịch COVID-19 và khả năng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Tại Trạm y tế xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), Chủ tịch Thọ đã lời khen về tinh thần làm việc của cán bộ y tế của Trạm. Mặc dù là ngày nghỉ (thứ bảy), lãnh đạo tỉnh về đột xuất nhưng trạm y tế vẫn luôn duy trì lực lượng với 7 cán bộ, y bác sĩ trực phòng chống dịch 24/24.
Thăm Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, sau khi đi thực tế một số khoa, phòng, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu Trung tâm cần thực hiện tốt việc phân luồng, sàng lọc, cách ly; tăng cường công tác tuyên truyền đến người bệnh, người nhà bệnh nhân, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…
Đến cơ sở cách ly y tế tại Bệnh viện phổi và Bệnh viện phong - da liễu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở cách ly khi tiếp nhận người cách ly, phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế làm việc. Chỉ đạo Sở y tế chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong.
Ông cũng rất cương quyết với các đối tượng trốn chốt kiểm tra, không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch. Ông cho rằng, việc các đối tượng đi về từ vùng dịch mà không khai báo y tế, không được cách ly là mối nguy hiểm cho cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những trường hợp này phải xử lý thật nghiêm, bắt buộc phải cách ly có thu phí nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.
Có lẽ như nhiều người nói, hơn tháng qua, dịch bệnh Covid-19 đã lan tràn ở nhiều địa phương xung quanh nhưng Huế thì… chưa. Đó là điều hạnh phúc không chỉ riêng Huế. Bên cạnh sự may mắn còn là sự tích cực, không chủ quan trong công tác phòng dịch của tất cả người dân Huế. Trong đó không thể quên được vai trò của người chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Như nickname Phan Ngọc Minh đã viết: Vẫn đôi chân ấy, đôi chân không mệt mỏi, trong một buổi sáng cuối tuần: Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19; thăm dự án xây dựng phòng khám từ thiện; kiểm tra tiến độ dự án toà nhà VNPT, trung tâm Thương mại – Khách sạn Nguyễn Kim, Khu tái định cư Hương Sơ; kiểm tra công tác chuẩn bị bàn giao nhà cho các hộ nghèo… Chúc "Ông" có thật nhiều sức khỏe! (thuonghieucongluan.com.vn 24/8)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Danh sách 75 công trình, giải pháp công bố trong Sách vàng sáng tạo năm 2020
Trong lần thứ 5 tổ chức công bố, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020 tôn vinh 75 đại diện tác giả, nhóm tác giả công trình khoa học, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ. Các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh…
Danh sách 75 công trình, giải pháp khoa học và công nghệ công bố trong Sách vàng sáng tạo năm 2020
(Kèm theo Quyết định số 459 /QĐ-BCĐSVSTVN, ngày 11 tháng 8 năm 2020 của Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020)
1. Điều chỉnh công nghệ xử lý hóa lý trong quy trình xử lý nước thải cao su
Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Oanh và các cộng sự: Hoàng Ngọc Sửu, Nguyễn Văn Lập, Trần Hoàng, Nguyễn Thành Tâm, Võ Văn An
Đơn vị: Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa
2. Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm hằng ngày bằng dụng cụ xiphông đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại Giao Long - Giao Thủy
Nhóm tác giả: Trần Thị Hải Bình, Đỗ Văn Tiến
Đơn vị: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định
3. Sản xuất sữa gạo lứt hoàn toàn tự nhiên ứng dụng ENZYM thủy phân tinh bột
Tác giả: Nguyễn Vương Tường Vân
Đơn vị: Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ
4. Máy làm bánh tráng rế công nghiệp không dùng dầu
Tác giả: Bùi Văn Tra
Đơn vị: Trường Đại học Cần Thơ
5. Dây chuyền công nghệ chà xát tuyển tách rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng với quy mô công nghiệp, công suất từ 100 - 300 m3/giờ, đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006
Tác giả: Võ Tấn Dũng
Đơn vị: Công ty Cổ phần công nghệ cát sạch Phan Thành, số 71 Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
[Sách vàng sáng tạo Việt Nam tôn vinh 7 công trình phòng, chống dịch Covid-19]
6. Giải pháp kỹ thuật giảm lượng axit hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa trên đất phèn và đất phù sa tại tỉnh Hậu Giang
Tác giả: Nguyễn Thị Kiều
Đơn vị: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang
7. Thiết bị dạy học đa năng
Tác giả: Nguyễn Đăng Lâm
Đơn vị: Trường Tiểu học Trương Thị Xinh, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
8. Xây dựng công cụ quản lý, vận hành và phân quyền tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam
Tác giả: Phạm Văn Tài
Đơn vị: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quảng Nam
9. Cải tiến bàn thử nghiệm dây da an toàn để kiểm định ty leo cột bê tông ly tâm
Nhóm tác giả: Hoàng Ngọc Chung, Đoàn Dũng Sĩ
Đơn vị: Công ty Điện lực Quảng Nam
10. Giải pháp dùng năng lượng mặt trời và công nghệ Led trong chiếu sáng công cộng
Tác giả: Phạm Phú Hiển
Đơn vị: Công ty TNHHTM&DV Phú Hiền Lighting, số 437 Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam
11. Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ, lụt và vận hành hồ chứa
Nhóm tác giả: Văn Phú Chính, Phạm Quốc Toản, Văn Huỳnh Duy
Đơn vị: Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC), số 299 Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
12. Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator - FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh tại thành phố Đà Nẵng
Nhóm tác giả: Đinh Thành Việt, Ngô Tấn Cư và các cộng sự: Hoàng Đăng Nam, Võ Văn Phương
Đơn vị: Đại học Đà Nẵng; Tổng Công ty Điện lực miền Trung
13. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng
Nhóm tác giả: Võ Văn Phương và các cộng sự: Lê Văn Phú, Nguyễn Hoàng Nhân, Lê Hoài Sơn
Đơn vị: Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng
14. Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình quản lý nhu cầu điện DSM
Nhóm tác giả: Trần Dũng, Thái Thành Nam, Hà Đức Tường Quân và các cộng sự: Nguyễn Văn Lục, Đinh Huy Vũ, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Thị Tùng, Đặng Thị Nguyên Thảo
Đơn vị: Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPC EMEC)
15. Nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa sử dụng động cơ điện
Nhóm tác giả: Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Thành
Đơn vị: Công ty TNHH SX và Kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
16. Nghiên cứu chế tạo dung dịch nano bạc - chitosan dùng gắn lên vải sợi định hướng ứng dụng sản xuất sản phẩm vô trùng trong lĩnh vực y tế
Nhóm tác giả: Nguyễn Tiến An, Lê Xuân Hưng, Lê Công Huân, Đỗ Quý Phương, Lê Thị Thu Miên
Đơn vị: Trường Đại học Y Thái Bình
17. Nghiên cứu ứng dụng xỉ thép lò điện hồ quang (EAFS) để loại bỏ photpho hòa tan trong nước thải chế biến thủy sản
Nhóm tác giả: Nguyễn Trọng Anh, Phan Thị Ngọc Ánh, Phan Thị Phẩm
Đơn vị: Trường Đại học Lạc Hồng
18. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống tự động in và sấy logo
Nhóm tác giả: Phạm Văn Toản, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Cường Phi, Ngô Thanh Bình
Đơn vị: Trường Đại học Lạc Hồng
19. Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới
Nhóm tác giả: Đặng Thị Minh Thu, Lưu Hải An, Lê Thị Thu Thủy, Vũ Thị Dung, Đỗ Minh Tuệ
Đơn vị: Trường THPT Ngô Sỹ Liên, TP Bắc Giang
20. Máy cho dưa vào lọ, lon thiếc tự động
Tác giả: Lương Xuân Huy
Đơn vị: Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC, Cụm công nghiệp Tân Xuyên G.O.C, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
21. Chọn tạo giống lúa thuần P15
Tác giả: Công ty Cổ phần giống cây trồng Bắc Giang
Người đại diện: Nguyễn Văn Hoạt, Giám đốc công ty
22. Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây
Nhóm tác giả: Lễ Nguyễn Hoàng Ngân, Phan Lê Thảo Phương
Đơn vị: Trường THPT Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
23. Nghiên cứu áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị viêm phúc mạc ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La
Tác giả: Nguyễn Công Bằng
Đơn vị: Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La
24. Giải pháp thay công tơ điện trạm biến áp chuyên dùng và trạm biến áp công cộng không cần cắt điện
Nhóm tác giả: Trần Quyền Dự, Phạm Minh Phú, Diệp Thành Tài, Trần Văn Thế Trung, Nguyễn Văn Thái
Đơn vị: Công ty Điện lực Bạc Liêu
25. Ứng dụng điều khiển tự động nâng cao hiệu suất cho máy phát điện năng lượng mặt trời
Nhóm tác giả: Đào Anh Tuấn, Quách Văn Hùng, Tiền Ngọc Chương, Lâm Văn Tính
Đơn vị: Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu
26. Ghép tim xuyên Việt: giải pháp hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối ở miền Trung
Nhóm tác giả: Trần Hoài Ân và các cộng sự: Lê Quang Thứu, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Xuân Hùng, Trần Tuấn Anh
Đơn vị: Bệnh viện Trung ương Huế
27. Nghiên cứu, chế tạo thiết bị xác định pha khách hàng sử dụng điện, phục vụ công tác cân pha để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng cung cấp điện
Nhóm tác giả: Đinh Quang Thuần, Trần Đăng Sơn, Trần Văn Tuyến, Quách Việt Dũng, Chu Ngọc Cảnh
Đơn vị: Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình
28. Ứng dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh nhân rối loạn nhịp chậm
Nhóm tác giả: Đào Hồng Quân, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Kiều Vân, Đỗ Văn Tuấn, Trương Văn Lai
Đơn vị: Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình
29. Hệ thống điều khiển tưới tiêu tự động
Nhóm tác giả: Phan Anh Cang, Lê Thị Hạnh Hiền, Trương Văn Xạ, Nguyễn Ngọc Phương Trang, Trần Phan An Trường
Đơn vị: Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long
30. Tin học hóa trong quản lý vùng trồng tiến tới hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản tỉnh Vĩnh Long
Nhóm tác giả: Huỳnh Kim Định, Viên Thanh Nhã
Đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long
31. Máy cày phao nổi và máy trục ước mơ nhà nông
Tác giả: Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Bảo Trong
Địa chỉ: Ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau
32. Nghiên cứu sản xuất môi trường pha loãng, bảo quản tinh lợn dài ngày BTS-CT và ứng dụng trong sản xuất tinh lợn nhân tạo
Tác giả: Mai Lâm Hạc
Đơn vị: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc
33. Nghiên cứu sáng tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tacumin
Tác giả: Lê Thị Nga
Đơn vị: Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo
34. Cải tiến lò sấy gỗ
Tác giả: Trương Văn Thủy
Địa chỉ: Thôn Còi Mò, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn
35. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot xoa bóp (massage) dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo
Nhóm tác giả: Trương Công Toại và các cộng sự: Nguyễn Trần Thanh Phong, Lương Hữu Thành Nam, Nguyễn Đào Xuân Hải
Đơn vị: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
36. Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị chấn thương cột sống ngực-thắt lưng mất vững bằng vít qua da tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định
Nhóm tác giả: Đào Văn Nhân, Đặng Văn Minh
Đơn vị: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định
37. Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị phân tích một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm bằng phương pháp điện di mao quản
Nhóm tác giả: Lê Công Nhường, Cao Văn Hoàng
Đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định; Trường Đại học Quy Nhơn
38. Quản lý hệ thống đê điều tỉnh Bình Định trên phần mềm BDYKEGIS mã nguồn mở
Nhóm tác giả: Ngô Anh Tú và các cộng sự: Nguyễn Hữu Xuân, Nguyễn Tường Vĩ, Bùi Anh Kiệt, Phan Thái Lê
Đơn vị: Trường Đại học Quy Nhơn
39. Thước đo góc có gắn Niveau hình tròn giúp định vị kim sinh thiết theo không gian ba chiều
Tác giả: Nguyễn Thanh Hồi
Đơn vị: Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng
40. Nghiên cứu đánh giá quy trình chọn hút noãn lần hai trong cùng một chu kỳ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng
Tác giả: Vũ Văn Tâm
Đơn vị: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng
41. Keo thông minh trong điều trị lành thương
Tác giả: Nguyễn Thị Hiệp
Đơn vị: Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
42. Nghiên cứu và áp dụng hệ dung dịch ức chế sét mới KGAC PLUS M1 với nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ dung dịch KGAC và KGAC PLUS đang áp dụng thành công tại Vietsovpetro
Nhóm tác giả: Vũ Văn Hưng, Hoàng Hồng Lĩnh và các cộng sự: Bùi Văn Thơm, Mai Duy Khánh, Phạm Đình Lơ, Nghiêm Xuân Việt
Đơn vị: Ban Dung dịch, Xí nghiệp Khoan và sửa giếng, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro)
43. Xây dựng hệ sinh thái học tập tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY
Nhóm tác giả: Lục Quang Tấn và các cộng sự: Trần Nhật Tân, Trần Đức Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thành Luân, Trần Tuấn Anh, Nông Hạnh Phúc
Đơn vị: Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai
44. Cải tiến dụng cụ và kỹ thuật nội soi nạo VA tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai
Nhóm tác giả: Vũ Quang Huy, Nguyễn Mạnh Đức và các cộng sự: Nguyễn Đức Điệp, Nhâm Ngọc Hà, Ngô Kim Anh, Hoàng Thị Hải Đường
Đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai
45. Nâng cao hiệu quả đánh giá chấm điểm chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tỉnh Lào Cai
Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Khánh và các cộng sự: Nguyễn Tiến Dũng, Trần Văn Cường, Tạ Tuấn Vũ
Đơn vị: Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai
46. Môi trường làng nghề Việt Nam
Nhóm tác giả: Đặng Thị Kim Chi và các cộng sự
Đơn vị: Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội
47. Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội
Nhóm tác giả: Lê Văn Tri, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Yến và các cộng sự: Đặng Phương Dung, Lê Thị Yến, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Minh Hoàng, Phạm Thị Thu Hiền, Vũ Thu Hà, Nguyễn Thị Nga
Đơn vị: Công ty CP Phân bón Fitohoocmon
48. Máy nông nghiệp đa năng phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp
Tác giả: Tạ Đình Huy
Đơn vị: Công ty Cổ phần sản xuất máy Nông nghiệp đa năng Hòa Phát, thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội
49. Sử dụng hỗn hợp axit hòa trộn với khí gaslift (bọt khí gaslift-axit) nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vùng cận đáy giếng cho các giếng có nhiệt độ vỉa cao, áp suất vỉa thấp và độ ngập nước cao ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Tuấn Minh
Đơn vị: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
50. Hoán cải hệ thống bơm vận chuyển dầu P-2- A/B/C/D/E trên giàn CNTT-3
Nhóm tác giả: Huỳnh Minh Trung, Nguyễn Bình Long, Hoàng Giang Lam
Đơn vị: Xí nghiệp Khai thác dầu khí, Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro
51. Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân kiểu Near Gap sang Zero gap nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút
Nhóm tác giả: Văn Đình Hoan, Nguyễn Xuân Thảo và các cộng sự: Đào Hải Linh, Trần Quang Hòa
Đơn vị: Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì
52. Nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý thuế thông qua chỉ số đồng hồ tổng của các phương tiện đo xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Nhóm tác giả: Lê Văn Phúc, Nguyễn Phúc Quang, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Thị Dung
Đơn vị: Cục Thuế tỉnh Phú Thọ
53. Thiết kế, chế tạo máy bồi quả pháo hoa và nghiên cứu, chế thử công nghệ bồi quả pháo hoa trên máy thay thế bồi quả thủ công
Nhóm tác giả: Đặng Trung Hiếu, Phạm Việt Cường, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Thành
Đơn vị: Công ty TNHH MTV Hóa chất 21
54. Nghiên cứu giải pháp thu hồi than trong sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY tại Công ty than Vàng Danh
Nhóm tác giả: Vương Minh Thu, Nguyễn Văn Đụng, Ngô Văn Cừ, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Hiền
Đơn vị: Công ty Cổ phần Than Vàng Danh, Vinacomin
55. Ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn hô hấp
Nhóm tác giả: Đặng Thị Thúy và các cộng sự: Hà Mạnh Hùng, Lê Quang Khương
Đơn vị: Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh
56. Giải pháp đo công suất và tốc độ nhảy tần đối với máy phát thông tin nhảy tần dựa trên máy phân tích phổ
Tác giả: Nguyễn Tất Nam
Đơn vị: Phòng Giám định Chất lượng Điện - Điện tử, Trung tâm Giám định Chất lượng, Cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu.
57. Nghiên cứu chế tạo hệ thống điều khiển bước chân vịt trong các chế độ hoạt động của tàu thủy
Nhóm tác giả: Đào Minh Quân, Vương Đức Phúc, Đặng Xuân Tâm
Đơn vị: Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam
58 Nghiên cứu và sản xuất mực in phun kỹ thuật số SoluJET® 2770K theo công nghệ TIJ 2.5
Nhóm tác giả: Bùi Thị Nhàn, Nguyễn Hoàng Anh, Phạm Văn Trung, Lê Quốc Duy
Đơn vị: Công ty Cổ phần Mỹ Lan
59. Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa
Nhóm tác giả: Trần Hữu Lý, Bùi Đức Nho và các cộng sự: Nguyễn Tương Lai, Nguyễn Công Tuấn, Nguyễn Văn Hiển
Đơn vị: Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng
60. Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống qui mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (gọi tắt là hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng)
Nhóm tác giả: Nguyễn Đình Tùng, Mai Thanh Huyền, Nguyễn Văn Tiến và các cộng sự: Nguyễn Đình Quý, Đỗ Thị Thanh Xuân, Đậu Trung Kiên, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thành, Hoa Xuân Tiến
Đơn vị: Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Bộ Công Thương
61. Nghiên cứu lắp đặt pháo 105mm và súng PKMS lên xe M548
Nhóm tác giả: Hà Tuấn Quân, Lê Nhân Quý và các cộng sự: Nguyễn Thái Dũng, Nguyễn Viết Trung, Nguyễn Văn Lợi, Phạm Xuân Thọ, Trần Văn Nông, Nguyễn Dao Tất, Nguyễn Thanh Tùng
Đơn vị: Cục Kỹ thuật, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng
62. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc thay thế cần nâng hạ của cẩu trên các giàn khoan biển tự nâng
Nhóm tác giả: Nguyễn Sỹ Anh, Đinh Quang Nhựt, Nguyễn Văn Thọ và cộng sự Nguyễn Văn Lộc
Đơn vị: Xí nghiệp điều hành Khoan, Tổng Công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí
63. Nghiên cứu chế tạo một số mẫu giấy phát hiện chất độc quân sự
Nhóm tác giả: Nguyễn Khánh Hưng, Lại Văn Cương, Chu Thanh Phong
Đơn vị: Viện Hóa học môi trường quân sự, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học
64. Tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet A1
Nhóm tác giả: Nguyễn Nhanh, Đặng Ngọc Đình Điệp và các cộng sự: Nguyễn Sơn Lâm, Cao Tuấn Sĩ, Nguyễn Minh Cảnh, Đào Xuân Giỏi, Mai Việt Thắng, Đinh Văn Nhân, Nguyễn Mạnh Thịnh, Mai Phước Bình, Bùi Tá Vũ, Phan Minh Thành, Nguyễn Bá Trí Quang, Lâm Thu Hương
Đơn vị: Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn
65. Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo thiết bị phát hiện và báo động chiếu xạ ra đa (MB- 2014) lắp trên tàu hải quân
Nhóm tác giả: Vương Huy Tình, Phạm Đình Cường, Ngô Xuân Sơn và các cộng sự: Phùng Ngọc Sơn, Nguyễn Tuấn Khang, Nguyễn Ngọc Linh, Lê Nhân Quý, Nguyễn Xuân Dũng
Đơn vị: Trung tâm 80, Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng
66. Nghiên cứu sinh học nguồn lợi và thử nghiệm sản xuất giống loài phi (Sanguinolaria diphos, Linnaeus 1771) tại Thanh Hóa
Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Hà và các cộng sự: Nguyễn Thanh Dũng, Phạm Trường Giang, Thái Ngọc Chiến, Trương Thị Hà, Hoàng Ngọc Tùng
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III
67. Giải pháp hướng dẫn trẻ mầm non lứa tuổi 3-4, 4-5 và 5-6 khám phá môi trường tự nhiên, lồng ghép giáo dục tình cảm, đạo đức và bảo vệ môi trường
Nhóm tác giả: Nguyễn Viết Huy và các cộng sự: Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thu Hà, Đinh Thị Huệ
Đơn vị : Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình
68. Quy trình chẩn đoán bệnh sán lá sinh sản ở vịt và quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt
Nhóm tác giả: Nguyễn Đức Tân và cộng sự: Nguyễn Văn Thoại, Huỳnh Vũ Vỹ, Lê Hứa Ngọc Lực
Đơn vị: Phân viện Thú y Miền Trung
69. Nghiên cứu, chế tạo mặt nạ chống khói thoát hiểm MVH1
Nhóm tác giả: Hoàng Trọng Hiếu, Chu Tuấn Linh, Trịnh Duy Đức
Đơn vị: Viện Hóa học môi trường quân sự, Bộ Tư lệnh Hóa học
70. Xây dựng mô hình sinh thái giáo dục và tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động sáng tạo gắn với thực tiễn địa phương
Nhóm tác giả: Trần Thu Hương, Mai Thị Bích Nguyện, Trần Nguyễn Yến
Đơn vị: Giải pháp được triển khai tại Trường THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình
71. Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu
Nhóm tác giả: Phạm Trần Xuân Anh và cộng sự Nguyễn Duy Khánh
Đơn vị: Bệnh viện Đà Nẵng
72. Cải tiến nâng cao hiệu quả loại nước công đoạn cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch thuộc công nghệ sản xuất alumin tại nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng - Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng
Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Thuyết, Trần Vũ Trường, Nguyễn Văn Phòng và cộng sự Nguyễn Hoài Sơn
Đơn vị: Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng
73. Nghiên cứu thiết bị hàn không sử dụng hồ quang điện
Nhóm tác giả: Trần Thanh Tùng, Nguyễn Trung Phước, Ngô Thị Mai Phương và các cộng sự: Lê Anh Chiến, Nguyễn Trần Vinh Quang
Đơn vị: Viện Khoa học và Công nghệ hàn Việt Nam
74. Ứng dụng công nghệ sấy bơm nhiệt và công nghệ enzyme trong sản xuất tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu trắng (tiêu sọ) tại Đắk Lắk
Nhóm tác giả: Phan Thanh Bình và các cộng sự: Phạm Văn Thao, Võ Thị Thùy Dung, Trần Thị Thắm Hà, Trương Minh Hằng, Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Thoa
Đơn vị: Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
75. Công trình lai tạo giống lúa thơm Sóc Trăng (ST)
Nhóm tác giả: Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương
Đơn vị: DNTN Hồ Quang Trí (daidoanket.vn 24/8)
THỂ THAO
1. Tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng: Thời của ‘Quang Hải 2.0’ đã đến!
Khi đăng ký Hữu Thắng vào bảng danh sách 23 tuyển thủ U23 Việt Nam tham dự VCK Giải U23 châu Á 2020, HLV Park Hang-seo đã phát đi tín hiệu chàng trai xứ Huế được “quy hoạch” cho SEA Games 31.
Chọn Hữu Thắng là một bước nằm trong kế hoạch đưa CLB Bình Định giành quyền thăng hạng V-League 2021 của HLV Nguyễn Đức Thắng. Mang đậm chất kỹ thuật, Thắng “Huế” trở thành mẫu cầu thủ yêu thích của cựu cầu thủ Thể Công. Việc hợp tính với người thầy cùng tên giúp tiền vệ 20 tuổi không tốn nhiều thời gian để hòa nhập ở đội Bình Định.
Tại môi trường bóng đá đất Võ, tài năng được Viettel cho mượn đã sở hữu 3 bàn thắng, 4 kiến tạo và sớm chắc nịch một suất đá chính. Bất chấp thi đấu ở hạng Nhất nhưng việc được ra sân thi đấu liên tục giúp Thắng “Huế” tích lũy kinh nghiệm và tăng “đô” sau những va chạm.
Hữu Thắng có nhiều nét tương đồng với “đàn anh” Quang Hải. Cả hai có xuất phát điểm từ sân chơi hạng Nhất, thuộc tuýp nhỏ con với thể trạng cao không quá 1m70 và có thể thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm hoặc cánh. Cầu thủ 20 tuổi này sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân tốt, nhãn quan chiến thuật nhạy bén và đi kèm với độ dị trong những pha đi bóng.
Hữu Thắng đã góp mặt xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30 của đội tuyển U22 Việt Nam. Thế nhưng khi ra đến sân ga chàng trai ở tuổi 19 đành lỡ hẹn chuyến tàu sang Philippines. Nhiều người tiếc thay cho Hữu Thắng bởi anh chàng đã “đúng người sai thời điểm”. Hồi đấy, trong tay ông Park có nhiều “chất liệu” chất lượng như Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Trọng Hùng... và Thắng ngậm ngùi đứng ngoài cuộc chơi.
Một chữ nếu rằng SEA Games không cho phép bổ sung cầu thủ trên 22 tuổi hoặc nâng giới hạn đăng ký từ 21 lên 23 cầu thủ thì có lẽ, Hữu Thắng đã là một phần lịch sử của đội tuyển U22 Việt Nam trên đất Bacolod. Điều này được minh chứng chỉ sau một tháng, Thắng “Huế” có tên trong danh sách tham dự VCK Giải U23 châu Á 2020.
Tài năng của Thắng “Huế” được khẳng định cách đây bốn năm. Đó là thời điểm cầu thủ này là “kép chính” của đội tuyển U16 Việt Nam lọt đến tứ kết Giải U16 châu Á và giành ngôi á quân Giải U16 Đông Nam Á. Sau đó, Hữu Thắng liên tiếp ẫm thêm các danh hiệu ở những giải đấu trẻ trong, ngoài nước dưới tiếng vỗ tay tán thưởng từ giới mộ điệu.
Đến khi khởi nghiệp ở sân chơi chuyên nghiệp, anh chàng nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng quê hương Huế. Trong thành tích cán đích ở vị trí thứ 6 của đội bóng Cố đô, tiền vệ 20 tuổi đóng góp 7 pha lập công và 2 đường kiến tạo.
HLV Nguyễn Đức Dũng (CLB Huế) khen: “Thắng có lối chơi đầy thông minh và bỏ cậu ấy vào vị trí nào cũng nhảy được. Tôi mừng khi tài năng của Thắng được các đội mạnh, có tham vọng ghi nhận và được mời về thi đấu cho mục tiêu giành suất thăng hạng”.
Đứng ngoài chiến tích giành vàng tại SEA Games 30, Hữu Thắng không cho phép bản thân phải thêm một lần lỡ hẹn. Nhất là khi sân chơi này sang năm được tổ chức trên sân nhà Việt Nam. Điều đó càng giúp Thắng “Huế” quyên tâm hơn nữa trong việc thuyết phục HLV Park Hang-seo.
Tuổi 20 và tài năng của Hữu Thắng nhận được lại nhiều điều đáng xem... (sggp.org.vn 24/8)
DU LỊCH
1. 4 ngày khám phá vẻ đẹp Huế
Thừa Thiên - Huế: Kim Hằng, hướng dẫn viên du lịch 27 tuổi thấy Huế mang vẻ đẹp bình dị nhưng cũng rất hấp dẫn, và gợi ý hành trình khám phá cố đô.
Huế không chỉ nổi tiếng bởi lăng tẩm hay ẩm thực phong phú mà còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp. Do đó, Kim Hằng (TP HCM) và bạn đã quyết định dành trọn 4 ngày khám phá vùng đất cổ kính này.
Từ TP HCM, Hằng đặt vé máy bay với giá khứ hồi là 2 triệu đồng, sau đó đi xe buýt từ sân bay Phú Bài về trung tâm thành phố với giá vé 50.000 đồng/ người.
Tại TP Huế, đôi bạn thuê khách sạn giá 700.000 một đêm, xe máy là 120.000 đồng/ ngày để bắt đầu hành trình.
NGÀY 1: Chợ Đông Ba - Sông Hương - Cầu Tràng Tiền
Đáp chuyến bay đến Huế lúc 15h, Hằng và bạn đi chợ Đông Ba đầu tiên, mua nón lá để chụp hình. Một chiếc nón lá không hoa văn, giá 30.000 – 35.000 đồng, nón vẽ trang trí 40.000 đồng. Hằng gợi ý mua nón lá thêu giá 50.000 đồng về làm quà.
Hầu hết hàng hóa ở chợ có giá bình dân. Phía ngoài có các hàng quán bán đồ ăn như nem nướng, bánh nậm, bột lọc. Đặc biệt, chè Huế và nem nướng ở đây là món ngon không thể bỏ qua, Kim Hằng chia sẻ.
Chiều tối, Hằng gợi ý đi bộ dọc bờ sông Hương hoặc ngồi thuyền trên sông ngắm cầu Tràng Tiền lên đèn. Chuyến đi thuyền ngắm cảnh có giá 100.000 đồng/ người. Nếu chọn tour có biểu diễn nhã nhạc, giá 150.000 đồng/ người.
Bên cạnh đó, bạn có thể đi một vòng quanh thành phố, ngắm Đại Nội lung linh dưới ánh đèn.
NGÀY 2: Chùa Thiên Mụ - Làng hương Thủy Xuân – Lăng Tự Đức – Lăng Khải Định – Đại Nội Huế
Sau khi thưởng thức đặc sản bún bò Huế, giá 40.000 đồng một tô đầy đủ, đôi bạn đến chùa Thiên Mụ. Chùa còn có tên nữa là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, bờ bắc sông Hương. Vào sáng sớm, chùa vắng vẻ, yên tĩnh, thuận lợi cho những bức hình đẹp.
Điểm tiếp theo là làng Thủy Xuân, nơi nổi tiếng với nghề làm trầm hương, cách trung tâm TP khoảng 7 km. Bạn chỉ cần dừng chân tại bất cứ gian hàng nào cũng được tư vấn cách chụp ảnh đẹp, Hằng cho biết.
Sau khi tham quan làng hương, cả hai ghé lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng, tên được đổi sau khi vua băng hà. Được xây dựng năm 1866, lăng có kiến trúc cầu kì, xung quanh là phong cảnh hữu tình. Bạn có thể đến chụp ảnh tại hồ sen và tự tay cho cá ăn. Ao sen lăng Tự Đức là điểm hút khách, đặc biệt vào mùa sen nở.
Sau đó, Hằng ghé thăm lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng, được xây từ năm 1920, nơi chôn cất vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Leo hơn 100 bậc thang, bạn có thể ngắm toàn bộ vẻ đẹp của lăng và ngọn đồi Châu Chữ, thuộc xã Thủy Bằng, cách trung tâm tầm 10 km.
Giá vé tham quan các lăng tẩm là 150.000 đồng một người.
Sau đó đôi bạn trở về trung tâm TP dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều tiếp tục tham quan Đại Nội.
Vì Đại Nội là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều) và Tử Cấm Thành (nơi ở của vua và hoàng tộc) khá rộng, nên cả hai dành 2 giờ để khám phá cùng thuyết minh viên.
Kết thúc vào khoảng 17h30, cả hai thấy đói bụng và cơm hến là món ăn được nghĩ ngay trong đầu.
Theo Hằng, khi đến Huế, du khách đừng bỏ lỡ cơm hến. Có nhiều địa chỉ nhưng bạn có thể ghé quán cạnh cầu Đập Đá, để vừa ăn vừa ngắm hoàng hôn.
Bình minh trên phá Tam Giang.
NGÀY 3: Phá Tam Giang – Vườn quốc gia Bạch Mã
Vì muốn ngắm bình minh ở phá Tam Giang, cách trung tâm 17 km, nên Hằng xuất phát lúc 5h30, di chuyển khoảng 45 phút.
Hằng gợi ý, ở đây du khách có thể chọn cano để ngắm cảnh, nhưng nhược điểm là tiếng ồn động cơ sẽ phá vỡ không khí yên bình. Hằng và bạn thích vẻ đẹp nhẹ nhàng nên xin quá giang thuyền nhỏ của một người dân địa phương.
Bánh khoái cá kình giá 8.000 đồng một bánh.
Ở phá Tam Giang, bạn có thể thử nhiều đặc sản từ tôm cá, trong đó phải kể đến bánh khoái cá kình. Đây là loại cá được bắt từ dưới phá và bán tại khu chợ gần đó. Thịt cá kình rất ngọt ăn cùng bánh khoái và nước mắm mặn sẽ khiến du khách nhớ mãi.
Sau khi dùng bữa, hai người chở nhau ra khu phố Tây ở trung tâm để uống cà phê, chuẩn bị đoạn đường dài đến Vườn quốc gia Bạch Mã.
Bạch Mã cách trung tâm khoảng 40 km, nên cả hai di chuyển bằng ô tô theo tour, gồm hướng dẫn viên địa phương, xe địa hình chuyên dụng và khách sạn qua đêm.
Địa hình ở vươn quốc gia là đồi núi và sườn dốc nên rất khó đi. Cả hai tìm hiểu trước về cung đường cũng như thế giới động vật ở đây, trước khi tiếp tục trekking chinh phục đỉnh Bạch Mã 1.450 m.
Hằng mất 40 phút để trekking 2 km, leo đến đỉnh núi trên con đường khá gồ ghề dốc đứng. Khi đến nơi, bạn sẽ nhận được món quà xứng đáng với công sức đi bộ, Hằng cho biết. Thiên nhiên, núi rừng thêm cái vẻ lành lạnh chắc chắn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi.
Đây là địa điểm lý tưởng mà nhiều khách du lịch như Hằng dừng chân ngắm hoàng hôn, càng tuyệt hơn khi lúc này nhóm Hằng có thêm nhiều thành viên gồm 2 người bạn từ TP HCM và 3 người tại Huế cùng tham gia.
Sau khi ngắm mặt trời, đoàn 7 người đi bộ xuống chỗ nghỉ ngơi tại một villa cổ kiểu Pháp. Trong hành trình này, du khách có thể kết hợp ngắm trăng sao. Sao đêm ở Bạch Mã rất đẹp. Bạn còn có dịp nhìn thấy rất nhiều sao băng trên bầu trời, Hằng kể.
NGÀY 4: Bạch Mã – Ngũ Hồ
Cả đoàn dậy sớm đón bình minh trên núi lúc 5h. Mọi người đi bộ theo đường mòn Đỗ Quyên, đến Ngũ Hồ để chiêm ngưỡng năm hồ nước đẹp nhất rừng Bạch Mã. Trải nghiệm gợi ý là "check-in" ở hồ bơi vô cực trên núi, hòa mình vào dòng suối dịu mát và ngắm cảnh núi non hùng vĩ.
Tiếp tục, men theo lối đi trong rừng, ngang qua vườn thuốc, bạn sẽ biết thêm nhiều cây thuốc quý. Hành trình theo lối mòn sẽ đưa các bạn đến thác Đỗ Quyên có độ cao hơn 300 m, là một trong những kỳ quan của Bạch Mã, dùng bữa trưa kiểu dã ngoại. Sau đó, cả nhóm tranh thủ rời đường mòn trước khi trời sập tối.
Về đến trung tâm, Hằng cùng bạn ghé ăn cháo bò Đập Đá, giá 25.000 đồng/ tô. Sau đó hai người chia tay những người bạn trong nhóm và bắt xe ra sân bay.
Chuyến đi 4 ngày của Hằng kết thúc trong luyến tiếc lúc 17h, có mặt tại TP HCM vào 0h ngày hôm sau. (vnexpress.net 24/8)
2. Lăng vua Khải Định ở Huế đẹp lạ thường qua ống kính khách Tây
Lăng vua Khải Định ở Cố đô Huế được xây từ năm 1920 đến 1931, được coi là lăng mộ có kiến trúc độc đáo, khác lạ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Cùng khám phá lăng mộ này qua loạt ảnh du du khách quốc tế thực hiện. (Ảnh vietnamdaily.net.vn 24/8)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Vụ lừa bán đất chiếm đoạt tiền tỷ ở Huế: Cựu cô giáo thành “siêu lừa” vì ăn chơi
Vì ăn chơi dẫn đến nợ nần, cô giáo ở Thừa Thiên - Huế làm giả giấy tờ để lừa bán đất, chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều người.
Về vụ "Làm giả giấy tờ để bán đất, nữ quái lừa đảo trót lọt hàng tỷ đồng" xảy ra ở TP.Huế, ngày 24/8, theo tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan này đã làm rõ thêm nhiều bị hại khác bị Nguyễn Thị Phương Ánh (SN 1982, trú khu vực 1, phường An Đông, TP.Huế) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, ngoài làm giả các giấy tờ để lừa bán đất, chiếm đoạt của ông T.V.N (SN 1975, trú đường Nguyễn Bính, TP.Huế) 3,5 tỷ đồng, Ánh còn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều tỷ đồng của các bị hại khác ở TP.Huế bằng thủ đoạn tương tự. Đó là các bị hại Đ.T.N.T (SN 1977, trú đường Phạm Văn Đồng), T.V.C (SN 1972, trú đường Nguyễn Lộ Trạch), V.D.T (SN 1991, trú đường Nguyễn Trường Tộ), N.V.V (SN 1985, trú đường Nguyễn Lộ Trạch) và N.T.N.N (SN 1976, trú đường Mai Thúc Loan).
Bên cạnh đó, bằng việc "nổ" rằng mình quen biết nhiều lãnh đạo, có thể "chạy" thủ tục tách thửa đất nhanh chóng, Ánh đã chiếm đoạt của ông N.H và bà N.T.T.T (trú phường An Đông, TP.Huế) số tiền 520 triệu đồng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, trước đây Ánh là giáo viên của một trường mầm non công lập đóng trên địa bàn TP.Huế. Ánh từng liên quan đến vụ án lừa "chạy" việc vào các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền ăn chơi. Đồng phạm của Ánh đã bị phạt tù, còn hành vi của Ánh chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Sau vụ việc này, Ánh vẫn tiếp tục ăn chơi, tiêu xài lãng phí, trong khi không có công ăn việc làm dẫn đến nợ nần chồng chất.
Để có tiền trả nợ, Ánh nghĩ ra nhiều thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại. Trước việc nhiều người dân có đơn phản ánh Ánh liên quan đến chuyện lừa đảo, nữ giáo viên này đã bị cho thôi việc.
Như tin đã đưa, trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Phương Ánh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 1/2020, biết ông T.V.N đang có nhu cầu mua đất, Ánh làm giả các giấy tờ để bán đất cho người này.
Cụ thể, Ánh đã tự mình làm giả các giấy tờ như giấy thỏa thuận bán đất, giấy bán đất, hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, văn bản thỏa thuận về việc xác định vị trí, tọa độ thửa đất chuyển nhượng… Ánh dùng những giấy tờ này kèm theo lời nói gian dối để ông N tin một lô đất đã được Ánh mua hợp pháp từ chủ của lô đất. Sau đó, Ánh làm hợp đồng bán lô đất này cho ông N.
Với thủ đoạn tương tự, Ánh đã lừa bán cho ông N thêm các lô đất thuộc khu vực 1 phường An Đông, qua đó chiếm đoạt của nạn nhân 3,5 tỷ đồng. (danviet.vn 24/8)
2. Cô gái ship hàng ở Huế bị cướp điện thoại khi dừng bên đường
Nạn nhân đang dừng xe để nghe điện thoại khi trên đường đi ship hàng đã bị gã thanh niên áp sát, giật lấy rồi bỏ chạy.
Ngày 24-8, Công an huyện Phú Vang phối hợp với Công an thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiến hành bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Ngọc Thiện (SN 1999; ngụ xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) để điều tra hành vi cướp giật tài sản.
Trước đó, vào chiều 20-8, một cô gái ngụ ở thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) trong khi đi ship hàng dừng lại ven đường Quốc lộ 49 đoạn ở TDP Diên Trường, thị trấn Thuận An (Phú Vang) nghe điện thoại để hỏi đường. Lúc này bất ngờ một đối tượng nam thanh niên đi xe máy, áp sát vào và giật chiếc điện thoại trên tay cô gái rồi bỏ chạy. Tại cơ quan công an, Thiện thừa nhận hành vi của mình.
Vào sáng cùng ngày, Nguyễn Ngọc Thiện còn thực hiện thêm 1 vụ cướp giật điện thoại khác tại địa bàn phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy rồi đem bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Hiện cơ quan công an đang tiến hành củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (nld.com.vn 24/8)
3. Chém người vì... ánh mắt
CATX Hương Thủy (TT-Huế) ngày 23-8 cho biết, đã bắt giữ 4 đối tượng gồm: Phan Minh Hiếu, Trần Văn Tuấn, Võ Nguyễn Duy Sơn và Lê Bá Minh Trí (đều trú TT-Huế) về hành vi "Cố ý gây thương tích". Trước đó, nhóm đối tượng này đang di chuyển trên đường Hoàng Quốc Việt (TP Huế) thì nhìn thấy 2 thanh niên đi xe máy nhìn các đối tượng. Cho rằng 2 thanh niên này đang "nhìn đểu" nên 4 đối tượng điều khiển xe đuổi theo, rồi dùng mã tấu bất ngờ chém nhiều nhát vào đầu, tay của thanh niên ngồi phía sau gây thương tích nghiêm trọng. (cadn.com.vn 24/8)
4. Huế: CSGT mật phục xử phạt hàng trăm ma men và quái xế
Trong vòng 5 ngày từ 18 - 23.8, số vụ tai nạn giao thông tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) bất ngờ tăng cao với hơn 10 vụ tai nạn khiến nhiều người tử vong, hầu hết những vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia.
Để kịp thời ngăn chặn và tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển xe, Ban chỉ huy Công an TP.Huế đã triển khai lực lượng ra quân tuần tra xử phạt vi phạm nồng độ cồn và lạng lách đánh võng trong 2 ngày liên tục. Qua đó, đã phát hiện và xử phạt khoảng 100 trường hợp.
Trung tá Lại Thế Linh, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Huế cho biết những ngày gần đây số vụ tai nạn giao thông tại TP.Huế tăng đột biến, làm ít nhất 3 người tử vong, cùng 5 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Đặc biệt, hầu hết những trường hợp tai nạn xảy ra khi người điều khiển xe có sử dụng rượu bia.
“Trước tình trạng tai nạn giao thông tăng đột biến và sự diễn của hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, cùng với đó là tình trạng chạy xe lạng lách đánh võng của một số đối tượng thiếu niên nên Ban chỉ huy Công an TP.Huế đã yêu cầu nhanh chóng triển khai lực lượng để qua đó xử phạt, nhằm tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời”, trung tá Linh thông tin.
Sau 2 ngày 22 - 23.8 triển khai, lực lượng CSGT đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đồng thời tạm giữ hàng chục phương tiện đã thay đổi thiết kế do các thanh thiếu niên điều khiển, có dấu hiệu chạy nẹt bô, lạng lách, đánh võng.
Để tránh trường hợp người vi phạm cố tính né tránh khi thấy chốt kiểm soát của lực lượng CSGT, các tổ công tác đã mặc thường phục, chia nhau tuần tra trên các tuyến đường chính, sau khi phát hiện người vi phạm sẽ đưa về kiểm tra nồng độ cồn và giấy tờ xe.
Trung tá Lại Thế Linh cho biết thêm, ngoài việc kiểm tra nồng độ cồn, thời gian tới đơn vị sẽ triển khai ra quân xử lý triệt để tình hình lái xe nẹt bô, lạng lách đánh võng của một số thanh thiếu niên trên địa bàn TP.Huế: “Để bắt quả tang được hành vi của các thanh thiếu niên đó, lực lượng CSGT không còn cách nào khác ngoài việc phải cải trang, mật phục bởi các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng bỏ chạy, dùng mọi cách thoát khỏi sự truy đuổi của công an. Hơn nữa, nếu chúng tôi truy đuổi tới cùng sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông”. (motthegioi.vn 24/8)
DOANH NGHIỆP
1. Cùng chia sẻ, vượt qua giai đoạn khó khăn
Những ngày qua, du khách liên tiếp hủy tour và yêu cầu doanh nghiệp (DN) hoàn lại tiền đặt tour; trong khi đó, phía DN cho hay dù rất muốn hoàn lại 100% kinh phí đặt tour cho khách, nhưng không thể.
Không thể hoàn 100% tiền tour
Sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, hầu hết các khách hàng đã đặt tour trước đó đến các DN để làm thủ tục hủy tour. Tại Công ty CP Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, công ty này thông báo với du khách có hai phương án. Thứ nhất là dời thời gian đặt tour sang thời điểm khác, khi dịch bệnh được kiểm soát; còn phương án thứ hai là hủy tour, khách hàng sẽ không nhận được kinh phí vận chuyển hàng không và chỉ nhận lại được các khoản chi phí khác trong tour, như lưu trú, ăn uống...
Sau khi chấp nhận phương án hủy tour vì chưa có kế hoạch mới, một khách hàng tỏ ra khó chịu: “Tôi hủy tour là do dịch bệnh, chứ vẫn rất muốn đi du lịch. Do đó, tôi phải nhận được toàn bộ số tiền đã đặt mới đúng. Tôi không biết giữa công ty lữ hành và hàng không đã thỏa thuận như thế nào, nhưng với khách hàng của mình, phía DN lữ hành phải có trách nhiệm xử lý”.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế lý giải, nhiều khách hàng cứ nghĩ là phía lữ hành cố tình giữ tiền của khách. Nhưng trên thực tế, khoản kinh phí vận chuyển đã được lữ hành chuyển đến các đơn vị hàng không. Mới đây, các hãng hàng không có văn bản thông báo là sẽ giữ vé của khách đến khi dịch được kiểm soát mà không chấp nhận hủy vé. Số tiền này đang còn mắc kẹt ở hàng không, nhưng nhiều khách không đồng ý và muốn nhận lại tiền mặt.
Trên thực tế, các sân bay vẫn hoạt động bình thường, các chuyến bay vẫn bay duy trì và chưa thông báo huỷ chuyến, trừ các chuyến đi và đến Đà Nẵng. Các tour hủy chủ yếu do du khách cảm thấy lo lắng trước dịch bệnh và tự hủy, chứ không phải phía đơn vị cung cấp dịch vụ hủy. Vì vậy, các DN cho hay, nếu tình huống đi vào bế tắc, sẽ dựa trên các văn bản của hàng không và hợp đồng thỏa thuận mua tour giữa khách và công ty để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ ở Công ty CP Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, qua trao đổi với các công ty khác, như Công ty CP Du lịch Đại Bàng, Công ty Huetourist, Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt… cũng tương tự, khi hầu hết du khách đòi hủy tour.
Chia sẻ khó khăn
Xét về khía cạnh tâm lý của khách hàng, yêu cầu hủy tour và mong muốn hoàn lại toàn bộ tiền mua tour trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trở lại là điều dễ hiểu.
Song, trong hoạt động kinh doanh của các DN lữ hành, thông thường phía DN sẽ hợp tác với hàng không để mua vé seri (số lượng lớn). Lữ hành sẽ dùng tiền của mình để đặt vé trước, sau đó sẽ sử dụng cho từng đoàn khách. Do đó, khi khách hàng hủy tour, hoặc có thay đổi về hành trình, DN lữ hành sẽ hoàn tiền trước cho du khách, sau đó sẽ nhận hoàn tiền từ đơn vị hàng không, thường sẽ từ 3-6 tháng theo quy định của ngành hàng không.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, liên quan đến việc hủy tour và hoàn tiền lại cho khách, những ngày qua, sở có can thiệp và làm đầu mối để du khách thương thảo khách sạn trả tiền cho khách hàng. Liên quan đến hàng không, cơ quan quản lý du lịch địa phương không thể can thiệp, hay xử lý mà thuộc tầm quản lý của Trung ương và cấp bộ.
Một DN cho biết, thông thường là như thế, nhưng hiện tại, phía hàng không chỉ có chính sách dời ngày đi, chứ chưa có chính sách hủy chuyến. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nguồn lực của các DN du lịch ở Huế gần như kiệt quệ sau đợt dịch đầu tiên, chưa kịp phục hồi thì dịch tái phát, nên không đủ kinh phí để chi trả, hoàn tiền lại cho khách.
Ông Nguyễn Đình Thuận cho biết, nếu du khách chọn dời thời gian đi tour vào thời điểm hiện tại sang một thời điểm khác là phương án khả dĩ nhất. Đó cũng là cách mà khách hàng giúp DN du lịch và hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành chia sẻ, về góc độ DN, chúng tôi mong muốn du khách hiểu và thông cảm, đây là tình huống bất khả kháng. Không chỉ khách hàng chịu thiệt, DN cũng điêu đứng. Dù thế, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục và hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Hội Lữ hành cho biết, về lâu dài, hội sẽ sớm tham mưu Hiệp hội Du lịch tỉnh có đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những chính sách phù hợp trong giai đoạn mới, nhất là về chính sách hàng không, đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Dịch bệnh đến bất ngờ và đó là điều không ai mong muốn. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, thiết nghĩ, khách hàng cần có sự chia sẻ cho DN và DN cũng chủ động để làm việc với hàng không để có phương án đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. (baothuathienhue.vn 25/8)
2. Khởi động chương trình “Buổi sáng yêu thương”
Hoạt động này do Câu lạc bộ CEO thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Hội Nông dân phường An Đông, TP. Huế tổ chức sáng 24/8 nhằm mang đến bữa sáng ấm áp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ yêu thương trong địa dịch COVID- 19.
Chương trình "Buổi sáng yêu thương" diễn ra trong vòng 7 ngày, từ ngày 24- 30/8 tại 103D, Trường Chinh, phường An Đông. Mỗi buổi sáng từ 6h30 đến 7h30, các tình nguyện viên sẽ chuẩn bị và trao 150 suất bánh mì, 150 sữa đậu nành và 150 bánh xà phòng Lifebuoy cho các đối tượng là người bán vé số, xích lô, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường và khách vãng lai trên địa bàn TP. Huế.
Được biết, tổng kinh phí của chương trình trên 20 triệu đồng và dự kiến có trên 1.000 người dân nhận được “bữa sáng” ý nghĩa này. (baothuathienhue.vn 24/8)
3. Khi doanh nghiệp đi cùng nhau
“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu nói này đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) áp dụng với mục tiêu cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Cùng nhau tiến xa
Trong điều kiện dịch COVID-19, “sức khỏe” DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh thu từ hoạt động lưu trú và lữ hành du lịch 7 tháng đầu năm đạt 560 tỷ đồng, giảm 48,9%, hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt 443,927 triệu USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, số DN thành lập mới trên địa bàn tăng khá cao với 423 DN và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới có tổng số vốn đăng ký 5.264,7 tỷ đồng, tăng 4,4% về lượng và tăng 14% về vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số DN hoạt động trở lại giảm đến 12,5%, 305 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 36%; số DN giải thể cũng tăng 13% với 53 DN.
Trong khi nhiều DN có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm hoạt động đang đối mặt với nhiều khó khăn đứng trước nguy cơ phá sản thì những DN khởi nghiệp lại càng gặp khó hơn khi thiếu kinh nghiệm quản trị rủi ro, nguồn lực, thương hiệu… Vì vậy, việc kết nối nguồn lực chéo giữa các DN, chung nguồn lực để phát triển sản phẩm, mở rộng điểm bán và trưng bày sản phẩm ở các tỉnh thành, xây dựng đội ngũ chuyên gia cố vấn đầu tư được xem là yếu tố sống còn giúp DN khởi nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Những hoạt động kết nối nguồn lực, thị trường đang được Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp triển khai khá hiệu quả. Thông qua việc huy động nguồn lực giúp DN khởi nghiệp đi xa hơn, việc mở rộng thị trường và các kênh phân phối cũng giúp DN khởi nghiệp tìm kiếm các đối tác, hạn chế rủi ro trong kinh doanh.
Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết, hoạt động kết nối, xúc tiến giao thương, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển được CLB đẩy mạnh triển khai với nhiều chương trình như các “Phiên chợ khởi nghiệp” (Chương trình thu hút hơn 50 DN, thu hút được hơn 500 lượt khách tham quan, mua sắm, trao đổi hàng hóa). CLB cũng đã kịp thời tổ chức các hội thảo, các khóa học với các chủ đề thực tế như “Hiểu môi trường kinh doanh để vượt bão thời Corona”, “Chia sẻ cơ hội, tháo gỡ khó khăn cùng DN"; kết nối các startup, làm cầu nối để DN hợp tác, sử dụng chung nguồn lực, tiêu dùng sản phẩm cho nhau. Trong 6 tháng đầu năm, CLB đã kết nối hỗ trợ hơn 20 dự án, trong đó đã có 10 dự án đổi mới sáng tạo và 4 trong số đó được đầu tư với số tiền rót vốn hơn 1 tỷ đồng, tổ chức ký kết hợp tác kết nối vườn ươm DN tư nhân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nhằm mở rộng cơ hội hợp tác.
Sử dụng sản phẩm của nhau
Cùng với hoạt động chia sẻ, gắn kết, cộng đồng DN đẩy mạnh phong trào sử dụng sản phẩm của nhau trong các hội, hiệp hội, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, trong thời gian dịch bùng phát, Hiệp hội triển khai, thúc đẩy phong trào ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của DN hội viên, nhất là các sản phẩm dịch vụ có nguy cơ ứ đọng trong mùa dịch. Cùng với đó, Hiệp hội cũng tích cực hoạt động giải cứu, tiêu thụ nông sản và sản phẩm gia cầm cho DN, góp phần khơi thông thị trường, duy trì khả năng tái đàn và tăng đàn sau dịch.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối giữa DN với chính quyền, ngân hàng các quỹ đầu tư cũng được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN hội viên. Mới đây, trước tình hình khó khăn của DN trong khâu tuyển dụng nhân sự kế toán, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Hồng Đức (Trung tâm Hồng Đức) cùng CLB Giám đốc điều hành (CEO Huế) tiến hành ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao cho CEO Huế. Theo đó, Trung tâm Hồng Đức và CEO Huế sẽ tổ chức đào tạo đội ngũ kế toán chất lượng, tổ chức cho học viên trải nghiệm, cọ xát thực tế với môi trường làm việc trước khi ứng tuyển vị trí kế toán của 35 DN thành viên CEO Huế.
ThS. Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Hồng Đức chia sẻ, việc hợp tác không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho học viên, mà bản thân DN cũng tìm được đội ngũ nhân viên có chất lượng.
Việc tăng cường liên doanh, liên kết, đẩy mạnh giao thương nội bộ giữa các hội, hiệp hội… được xem là giải pháp khá hiệu quả, giúp DN cùng nhau vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.
Ông Dương Tuấn Anh cho rằng, việc gắn kết, liên kết sẽ giúp DN biến nguy cơ thành cơ hội. Cũng chính sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn của DN sẽ là động lực trong phát triển kinh tế địa phương. (baothuathienhue.vn 24/8)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Chỉnh trang, nạo vét khơi thông bờ sông Hương phía sau chợ Đông Ba
UBND TP. Huế vừa khởi công dự án chỉnh trang, nạo vét phần bồi lắng và vệ sinh môi trường khu vực dọc bờ sông Hương, đường Chương Dương phía sau chợ Đông Ba nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố “Xanh- Sạch- Sáng”.
Là một trong những công trình phê duyệt trong năm 2020 nằm trong dự án chỉnh trang một số khu vực trên địa bàn TP. Huế, bao gồm vị trí 15 Lê Lợi, khu vực Đồi Vọng Cảnh, Đập Cửa Khâu, khu vực trước Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế, khu vực phía sau chợ Đông Ba đang gấp rút thi công và hoàn thành vào cuối năm 2020. Công trình bao gồm chỉnh trang, nạo vét phần bồi lắng ở cửa sông Đông Ba; chỉnh trang, vệ sinh môi trường và trồng cây xanh khu vực dọc bờ sông Hương, đường Chương Dương phía sau chợ cá Đông Ba.
Được biết, sau khi có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Huế về các ý tưởng chỉnh trang một số khu vực trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã hoan nghênh TP. Huế và đơn vị tư vấn đã tích cực tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nghiên cứu kỹ và báo cáo ý tưởng chỉnh trang một số vị trí trên địa bàn thành phố để tạo thêm các công trình, điểm nhấn mới về kiến trúc, cảnh quan, công viên, không gian công cộng,... phục vụ người dân, du khách, phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn.
Cùng với công trình nói trên, thành phố vừa phê duyệt, báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, hạng mục chỉnh trang công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên (giai đoạn 2).
Dự án có tổng mức đầu tư 13,7 tỷ đồng, do Trung tâm Công viên Cây xanh Huế làm chủ đầu tư. Công trình bao gồm tháo dỡ đá chẻ, bó vỉa quanh bồn hoa tại vị trí đối diện bến xe Nguyễn Hoàng; tháo dỡ đường dạo, bồn hoa, bậc cấp bằng đá chẻ khu vực Bến Me; chỉnh trang các lối vào và các điểm dừng nghỉ xe đạp ven sông; chỉnh trang lối vào đối diện cửa Quảng Đức; bổ sung cây xanh và hệ thống ánh sáng… (baothuathienhue.vn 24/8)
2. Huế: Hàng trăm khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà
Lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang là chủ trương của tỉnh Thừa Thiên Huế để phát triển nguồn năng lượng xanh và được người dân ủng hộ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế được biết đến là một trong những địa phương có số giờ nắng và bức xạ năng lượng mặt trời cao so với cả nước. Qua thống kê gần đây, cả năm có tới 1893,6 giờ nắng; bức xạ 4,33 kWh/m2/ngày.
Được biết, lắp đặt điện mặt trời mái nhà là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc phát triển nguồn năng lượng xanh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế cũng như nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của người dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1kW giờ điện mặt trời mái nhà sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612 kg CO2 và ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than.
Qua tính toán, đối với điện mặt trời dành cho hộ gia đình, công suất lắp đặt từ 1,5- 8kWp, suất đầu tư từ 21- 26 triệu/kWp, trong đó trung bình 1 kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ tiết kiệm lượng điện tiêu thụ hằng tháng và có nguồn thu từ việc phát ngược điện trên lưới, thời gian thu hồi vốn từ 8 - 10 năm. Đối với doanh nghiệp, công suất lắp đặt từ 30 - 100kWp, suất đầu tư từ 21 - 26 triệu/kWp, trung bình 1kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ giảm tải điện năng tiêu thụ vào giờ cao điểm, thời gian thu hồi vốn từ 7 - 9 năm.
Điện lực Nam Sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020, đã có 83 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng cộng suất 702 kWp và ngành điện đã chi trả hơn 400 triệu đồng tiền điện mua lại từ hệ thống của cho những khách hàng này. So với năm 2019, từ chỗ chỉ có 59 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà thì đến nay con số này đã tăng lên 160 khách hàng. Sản lượng điện hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng phát lên lưới trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 177.000 kWh, tăng hơn 100.000 kWh so với cả năm 2019.
Hộ gia đình bà Hoàng T.H. (phường Xuân Phú, TP.Huế) từ ngày lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đến nay, cả gia đình đều phấn khởi bởi mỗi tháng không chỉ giảm được tiền điện phải trả mà còn nhận lại hơn 2 triệu đồng tiền bán lại điện cho điện lực.
“Từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời đã giúp giảm nhiệt rất nhiều cho ngôi nhà. Thời tiết ở Huế trước đây mưa nhiều nhưng bây giờ thì nắng tốt và kéo dài, vì thế việc đầu tư điện mặt trời là đúng đắn”, bà H. chia sẻ.
Tương tự, ông Vũ T.S. (phường Phước Vĩnh, TP.Huế) cho hay gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ tháng 7/2019 đến nay, tháng nào cũng đều đặn nhận tiền bán điện cho điện lực; riêng tháng trong tháng 8/2020, gia đình nhận hơn 1 triệu đồng tiền bán điện.
Không chỉ có các hộ gia đình, theo xu hướng phát triển nhanh chóng của điện mặt trời mái nhà, một số doanh nghiệp có mặt bằng mái, vị trí thuận lợi cũng đã bắt đầu đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và xem đây như là giải pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp.
Khách sạn ANHILL (Phường An Tây, TP.Huế) là một ví dụ. Doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 50kWp từ tháng 6/2020. Kể từ khi đi vào vận hành, hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp khách sạn này tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng tiền điện hàng tháng mà còn được điện lực chi trả ngược lại từ 7-8 triệu đồng tiền bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng, Điện lực Nam Sông Hương cho biết đã đơn giản hóa quá trình ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà, đồng thời khuyến khích khách hàng đăng ký bán điện mặt trời mái nhà qua các kênh tương tác trực tuyến như Zalo, email, website chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, các hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng sau khi lắp đặt công tơ 2 chiều đều được tích hợp với hệ thống quản lý đo đếm từ xa, giúp khách hàng có thể quản lý, theo dõi sản lượng phát lên lưới điện thông qua ứng dụng EVNCPC chăm sóc khách hàng cài đặt trên smartphone.
Ông Nguyễn Đại Phúc – Phó giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế cho hay, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo để tập huấn cho cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở điện lực để hỗ trợ tối đa cho khách hàng có nhu cầu lắp đặt. Đồng thời sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp thi công, lắp đặt nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, góp phần chung tay cùng ngành điện tiên phong, tích cực hưởng ứng chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo... (kinhtemoitruong.vn 24/8)
3. Tuyệt chiêu "thu phục yêu quái" sâu hành bằng 2 thứ "bảo bối" độc, lạ của nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Để duy trì, giữ vững chất lượng, xứng danh “thủ phủ” hành lá tại Huế, người dân Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, trong đó có hoạt động xuyên đêm “săn” sâu hành.
Ông Nguyễn Văn Vinh, lão nông gắn bó với hành lá nhiều năm nay cho biết: “Người trồng hành ở đây có hai vật bất ly thân, đó là cái bao và dụng cụ vợt. Thiếu nó, sâu hành phá hoại chỉ vài ngày là hỏng hết”.
Bắt sâu hành đã trở thành công việc hàng ngày, quen thuộc của những người dân theo nghiệp trồng hành. Lúc mới trồng, rễ chưa trụ vững, 100% người dân phải bắt sâu bằng tay, không được dùng vợt. 10 ngày sau, khi rễ cây đã bám chặt vào đất, họ mới dùng vợt bằng nilon, thau nhựa mỏng để vợt sâu.
Ông Nguyễn Văn Vinh, phường Hương An, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế tranh thủ hái lá hành bị sâu gây hại.
Anh Lê Quang Đức, một nông dân trồng hành cho biết: Tất nhiên việc “săn” sâu hành rất vất vả vì bướm đẻ trứng liên tục. Sâu hành phát triển nhanh, sinh trưởng trong lá hành, chỉ khi kiếm ăn mới ra ngoài. Đó cũng là thời điểm chúng tôi ăn, ngủ cùng hành lá.
Hai thời điểm quan trọng để săn sâu hành là vào lúc sáng sớm và tối muộn. Buổi sáng thường từ 4h – 5h30, buổi tối từ sau 7h đến khuya. Ngoài hai thời điểm ấy, với những nông dân giàu kinh nghiệm, chỉ cần quan sát bụi hành, bà con có thể nhận biết cọng nào đã nhiễm sâu, cọng nào không để kịp thời loại bỏ.
Lạ đời, một nông dân tỉnh Sóc Trăng bỏ lúa trồng thứ cỏ dại này mà thương lái tranh nhau mua
Ngoài săn sâu hành ban đêm, ban ngày ngoài trồng, thu hoạch, tưới nước, phần thời gian còn lại người dân Hương An phải bám ruộng hành, ngắt bỏ từng cọng bị sâu bệnh để đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương An, TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hành lá, bà con nông dân đã có thêm hiểu biết và nhiều dụng cụ, công cụ hỗ trợ chăm sóc hành như bẫy dính sinh học, thuốc trừ sâu sinh học.
Tuy nhiên, do tập tính sinh sống trong lá, việc dùng thuốc trừ sâu đối với sâu hành rất khó đạt hiệu quả cao. Về bẫy dính, phải áp dụng đại trà để đạt hiệu quả tối đa; tránh tình trạng vô tình biến ruộng hành lá trở thành “rốn” dẫn dụ, thu hút sự phá hoại của côn trùng.
Hiện nay, tại phường Hương An, TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) có trên 700 hộ nông dân đang phát triển kinh tế từ hành lá, chiếm khoảng 80% tổng hộ làm nông nghiệp trên địa bàn. Hiện đã có 16,53 ha đạt chuẩn VietGAP trong xấp xỉ 85 ha hành tại địa phương.
Ông Nhàn thông tin: Thời điểm này cũng là giai đoạn thuận lợi nhất trong năm để hành lá phát triển, cũng là giai đoạn sâu bệnh bùng phát mạnh. Bà con nông dân hết sức quan tâm, chăm sóc ruộng hành, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, bỏ công sức để mong vụ mùa thắng lợi.
Quảng Trị: Loài thú rừng quý hiếm xuống đường cắn trọng thương người, chưa tìm ra cách xua đuổi
Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID – 19, giá hành dao động từ 12 – 14 nghìn đồng/kg (giảm gần 10 nghìn đồng so với thời điểm tháng 7/2020). Nếu chăm sóc tốt và đạt năng suất, hành lá vẫn mang về thu nhập ổn định. Ông Vinh nói: “Trồng hành vất vả thật nhưng với năng suất 8 tạ/sào, mỗi năm có thể canh tác 4 vụ nên đời sống của chúng tôi khá bền vững”.
Theo ông Nhàn, thời điểm này đang giai đoạn thời tiết chuyển biến, bà con trồng và chăm sóc hành phải chú ý đảm bảo nguồn nước. Việc theo dõi thời tiết và có biện pháp chủ động, phòng ngừa nấm bệnh do mưa dông về chiều cũng rất cần được chú trọng. Với sâu hành, việc chăm sóc thường xuyên là điều kiện bắt buộc.
Việc kết hợp bẫy dính, thuốc trừ sâu sinh học và “săn” sâu hành đang cho hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu tác hại của sâu lên đến 40%. Đó không chỉ là năng suất mà còn là chất lượng hành lá và sức khỏe của người tiêu dùng. Là cách để người trồng hành phương Hương An , TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) “sống tốt” với cây hành, mang lại nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường. (danviet.vn 24/8)
4. Rõ mô hình, rõ kết quả
“Rõ số lượng, rõ cách thức triển khai, có sản phẩm cụ thể làm thước đo kết quả mọi phong trào đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp áp dụng thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hồng Thanh khẳng định.
Cách làm cụ thể
Việc xây dựng các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh tế do phụ nữ quản lý là cách làm giúp hội viên phụ nữ phát huy thế mạnh của địa phương, vừa làm giàu cho bản thân vừa tạo việc làm cho các hội viên khác và cũng là cách tạo tính liên kết trong sản xuất phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, để hội viên phụ nữ hiểu ra vấn đề và chuyển hình thức sản xuất manh mún, mạnh ai nấy lo sang đoàn kết, thống nhất thành lập các tổ liên kết là không dễ.
Nhằm tránh hình thức, trước khi giao chỉ tiêu về cơ sở, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ làm điểm 9 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Mỗi mô hình được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng, hội nghiêm túc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh thành lập được 4 hợp tác xã (HTX), 76 tổ liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, vượt chỉ tiêu đề ra.
Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho hay: HTX “Sản xuất kinh doanh nông sản, đặc sản A Lưới” của Hội LHPN huyện A Lưới được thành lập và duy trì ổn định từ đó đến nay là kết quả của cách làm rõ mô hình, rõ kết quả. Để xây dựng được tổ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, đặc sản an toàn ban đầu, hội phải tìm đến từng hộ có khả năng đáp ứng được yêu cầu, kiên trì phân tích cái hay, cái lợi để vận động các chị tham gia. Tiếp đó, nỗ lực kết nối khắp nơi nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ các chuyên gia, các dự án để nâng giá trị các sản phẩm, mở rộng thị trường vào hệ thống siêu thị…Hội tụ đủ điều kiện, Hội LHPN A Lưới đã tự tin phát triển các tổ hợp tác thành HTX.
Khó khăn bước đầu vượt qua đã tạo động lực giúp Hội LHPN huyện A Lưới vươn lên. Đó là lý do đến nay Hội LHPN huyện A Lưới đã thành lập được 2 HTX và 1 tổ liên kết dệt Zèng.
Hiệu quả
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN phường Thủy Biều (TP. Huế) khảo sát, đảm nhận hỗ trợ chị Nguyễn Thị Diệu Linh thực hiện dự án "Tái chế nhựa phế thải".
Hội tạo điều kiện cho chị Linh vay 60 triệu đồng vốn vay ưu đãi và giới thiệu chị Linh tham gia các lớp trang bị kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do các cấp tổ chức. Qua thời gian, nhận thấy chị Linh sử dụng vốn hỗ trợ hiệu quả, lại biết sáng tạo mở rộng dự án, Hội LHPN phường tiếp tục làm hồ sơ cho chị tham dự cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" lần thứ nhất và chị đã đoạt giải khuyến khích. Hiện nay, chị Linh được Tỉnh hội cho vay ưu đãi 50 triệu đồng vốn vay khởi nghiệp và Thành hội cho mượn 30 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp.
Theo chị Dương Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế, đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thuộc lĩnh vực mới nên sau khi trang bị kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Thành hội phát động mỗi cơ sở hỗ trợ ít nhất một hội viên khởi nghiệp với điều kiện phải có kế hoạch giúp đỡ rõ ràng, cụ thể. Trước khi phân bổ chỉ tiêu mới, Hội rà soát kiểm tra lại toàn bộ các mô hình cũ, phân tích thuận lợi, khó khăn, rút kinh nghiệm để thực hiện chỉ tiêu mới tốt hơn. Sau một năm thực hiện đề án, năm 2019, các cấp hội trên địa bàn thành phố đã giúp đỡ, hỗ trợ được 73 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gắn với mô hình cụ thể; trong đó, 3 chị được chọn tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" lần thứ nhất và đều đoạt giải.
Để tạo hiệu quả rõ nét trong thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch", ngay từ đầu năm, Hội LHPN thị xã Hương Thủy chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn rà soát, chọn và xây dựng kế hoạch cụ thể giúp hộ gia đình đạt các tiêu chí đề ra. Năm 2019, toàn thị xã đăng ký giúp 38 hộ bằng nhiều hình thức, trong đó có 14 hộ nghèo được cấp hội giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức, vay vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ học bổng cho con em họ. Được các cấp hội kề vai sát cánh nên toàn bộ hội viên được hội giúp đỡ, hỗ trợ đều đã vươn lên thoát nghèo. (baothuathienhue.vn 24/8)
5. "Thanh trà Huế" rớt giá
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mức tiêu thụ và giá cả của bưởi thanh trà ở Huế thấp hơn mọi năm.
Từ giữa tháng 8 đến nay, đặc sản bưởi thanh trà - được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”, đã bước vào mùa thu hoạch chính. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên nhiều chủ vườn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lo lắng vì mức tiêu thụ và giá cả thanh trà thấp hơn mọi năm.
Những ngày này, nông dân tại phường Thủy Biều, thành phố Huế - thủ phủ bưởi thanh trà của xứ Huế đã bắt đầu thu hoạch. Gia đình ông Lê Văn Nhân, phường Thủy Biều có hơn 5.000 m2 trồng cây bưởi thanh trà. Thời điểm này những năm trước, gia đình ông đã thu hoạch và xuất bán từ 50 - 60% diện tích, nhưng năm nay ông mới chỉ thu hoạch được khoảng 20%.
Ông Lê Văn Nhân cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mức tiêu thụ cho đến giá cả bưởi thanh trà thấp hơn các năm trước. Hiện nay, gia đình chủ yếu bán bưởi thanh trà cho các thương lái mang đi các chợ đầu mối và tiêu thụ trong tỉnh. Mọi năm, bưởi thanh trà có giá bàn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ bán được 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện, người trồng mong dịch COVID-19 nhanh chóng được khống chế, để việc đi lại, buôn bán được thuận lợi thì thanh trà sẽ được giá hơn.
Toàn phường Thủy Biều, thành phố Huế có 154 ha bưởi thanh trà của hơn 800 hộ dân; trong đó, diện tích cho thu hoạch 147 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 800 tấn. Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội nông dân phường Thủy Biều, thành phố Huế cho biết, bưởi thanh trà là cây trồng chủ lực của phường Thủy Biều, nếu so với các loại cây ăn trái khác thì bưởi thanh trà cho giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần.
Hiện, 1 ha bưởi thanh trà cho thu hoạch từ 250 - 400 triệu đồng; tính riêng năm 2019, thu nhập từ cây bưởi thanh trà tại địa phương chiếm khoảng 32 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 nên phần nào ảnh hưởng đến việu tiêu thụ sản phẩm của bà con. Các thị trường truyền thống như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình và một số tỉnh phía Bắc tình hình tiệu thụ sản phẩm cũng không mạnh như mọi năm; thêm một phần do thương lái ép giá nên bưởi thanh trà rớt giá khiến bà con nông dân trên địa bàn phường lo lắng.
Hiện, chính quyền địa phương cùng các ban ngành đang vào cuộc để giới thiệu, quảng bá và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm con bà con trong mùa thu hoạch bưởi thanh trà này.
Bưởi thanh trà - loại quả đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế” vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2014, "Thanh trà Huế" đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong 5 đặc sản Thừa Thiên - Huế xác lập kỷ lục châu Á.
Thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 1.000 ha bưởi thanh trà, được trồng tập trung những vùng phù sa, ven sông như các vùng Thủy Biều, thành phố Huế; xã Phong Thu, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy...
Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thương hiệu "Thanh trà Huế", Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi thanh trà đến năm 2025. Theo đó, các địa phương trong vùng tập trung ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn cho những hộ nông dân trồng bưởi thanh trà, nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây bưởi thanh trà có áp dụng công nghệ cao, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc theo hướng VietGAP, phòng trừ sinh vật gây hại trên vườn cây bưởi thanh trà./. (vnews.gov.vn 24/6)
6. Thừa Thiên Huế: Kêu gọi đầu tư 2 dự án nhà ở 1.800 tỷ đồng
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố thông tin kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh tại Khu đô thị mới An Vân Dương.
Cụ thể, dự án Nhà ở xã hội tại khu đất XH1 thuộc Khu C – Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế, khu đất thuộc địa giới hành chính xã Phú Thượng, huyện Phú Vang với sơ bộ tổng thực hiện dự án tối thiểu 600 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) và quy mô đầu tư: Diện tích khu đất khoảng 31.847 m2; diện tích xây dựng tối đa là 12.740 m2; diện tích sàn xây dựng tối đa là 100.320m2 (xây dựng khoảng trên 1.000 căn hộ nhà ở xã hội và khoảng 200 căn hộ thương mại).
Theo Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế, khu đất hiện là đất sạch đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh (trừ tuyến đường phía Bắc của dự án).
Với dự án Nhà ở xã hội tại khu đất XH1 thuộc Khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án được quy hoạch thực hiện tại Lô đất có ký hiệu XH1 thuộc khu E – khu đô thị mới An Vân Dương, thuộc địa giới hành chính xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.200 tỷ đồng (số liệu lấy theo Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 06/02/2020 của UBND tỉnh, sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn mời thầu) và diện tích khu đất khoảng 38.081 m2; trong đó diện tích xây dựng tối đa là 13.328 m2; diện tích sàn xây dựng tối đa 199.930 m2.
Hiện trạng khu đất phần lớn là đất trồng lúa (khoảng 34.500m2), phần còn lại là đất nuôi trồng thủy sản do UBND phường Thủy Dương quản lý (khoảng 3.500m2).
Hai dự án có mục tiêu xây dựng khu chung cư cao tầng, đáp ứng đầy đủ các tiện ích xã hội cho người có thu nhập thấp; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân đủ điều kiện mua nhà; đồng thời góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương lân cận xung quanh khu vực dự án, nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành dự án. (baotainguyenmoitruong.vn 25/8)
7. Thừa Thiên Huế: Cần thêm nguồn lực trùng tu di tích cách mạng
Video (quochoitv.vn 24/8)