Chiều ngày 24/10, đồng chí Trần Quốc Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền đã có thăm, kiểm tra khu vực bảo tồn vùng đất ngập nước Ô Lâu, cùng đi có đại diện lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy, lãnh đạo UBND xã Quảng Thái cùng người dân ở xung quanh khu vực bảo tồn đất ngấp nước Ô Lâu.
Tại đây thay mặt lãnh đạo xã, đồng chí Trần Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái đã báo cáo về công tác phối hợp và thực hiện ở khu Bảo tồn vùng đất ngập nước Ô Lâu. Vùng đất ngập nước Ô Lâu thuộc địa phần 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền, có vai trò vị trí khá quan trọng trong vấn đề cân bằng hệ sinh thái. Nó làm cho tài nguyên thủy sinh ở vùng phá Tam Giang ngày càng phong phú và đa dạng.
Năm 2020 dự án xây dựng bảo tồn ở khu vực đất ngập nước Ô Lâu được triển khai thực hiện. Theo đó khu bảo tồn thì Vùng đất ngập nước nằm trên địa phận của 6 xã là Quảng Thái, Quảng Lợi huyện Quảng Điền, Phong Chương, Điền Lộc, Điền Hoà, Điền Hải huyện Phong Điền với diện tích trên 12.500 ha, bao gồm 2 vùng là vùng lõi và vùng đệm.
Nơi đây là vùng cư trú của nhiều loài chim quý hiếm. Riêng tại địa bàn xã Quảng Thái đến này đã tiến hành trồng và đưa vào bảo quản 52 ha rừng, xã Quảng Lợi 20 ha, để khu bảo tồn đất ngập nước Ô Lâu phát huy có hiệu quả, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng trồng, giao cho người dân quản lý, chăm sóc rừng và các động vật hoang dã…
Sau khi nghe báo cáo của chính quyền địa phương và kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng đã đánh giá cao những nổ lực của chính quyền và người dân địa phương trong công tác bảo vệ khu vực đất ngập nước Ô Lâu. Đồng chí cũng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học tại các cửa sông, vùng đất ngập nước là rất quan trọng để ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Để duy trì phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hệ đầm phá Tam Giang Cầu Hai, chấm dứt các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản để hình thành vùng đất ngập nước tự nhiên, các cấp các ngành cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên cho người dân địa phương và năng lực cho Ban quản lý khu bảo tồn về công tác quản lý, phục hồi bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước.