Giai đoạn 2016-2021, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách, góp phần thiết kế được hệ thống khung khổ, thể chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM); thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, các nguồn lực ngoài nhà nước; tạo được cơ chế phối hợp, thu hút đông đảo lực lượng KH&CN thuộc nhiều chuyên ngành của cả nước; không chỉ trong các lĩnh vực nông nghiệp, Chương trình đã triển khai được nhiều đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, cơ chế, chính sách và thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu.
Các mô hình chuyển giao của Chương trình có hiệu quả kinh tế cao, kết quả có tính lan tỏa rộng, nhiều đề tài đã được ứng dụng rộng rãi nhờ có các tiến bộ kỹ thuật mới; nhiều mô hình sản xuất được nông dân hưởng ứng rộng rãi nhờ hiệu quả kinh tế cao, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM; nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở về vai trò chủ thể của nông dân và các chủ thể sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa mới, quản lý xã hội ở nông thôn phát huy vai trò tự quản của cộng đồng; tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ, tư duy phát triển sản xuất gắn với thị trường...
Trong hai năm 2019-2020, Chương trình đã bổ sung việc triển khai các đề tài và các nhiệm vụ cấp bách nhằm đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng khung Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; dự án tiền khả thi xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 về quan điểm, nhận thức, định hướng, mô hình NTM, tiêu chí xây dựng NTM; dự án khả thi xây dựng Chương trình MTQG xây dựng NTM 2021-2025, trong đó có Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM; thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, tập trung vào các đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư...
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận đóng góp về thành công của chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, đồng thời đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp trong giai đoạn 2021-2025.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, gắn với đô thị hóa, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả,vì lợi ích của người dân; huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng; chú trọng triển khai các mô hình mới, có khả năng ứng dụng cao; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; lồng ghép các chương trình khoa học công nghệ để tập trung nâng cao chất lượng, tránh trùng lặp, chồng chéo; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Các giải pháp sắp tới sẽ là bám sát khung chương trình và nhu cầu thực tế; các đơn vị nghiên cứu cần gắn cộng đồng, hệ thống chính trị, đơn vị đặt hàng, tiếp nhận ứng dụng kết quả, khuyến khích, phát huy tính phản biện khoa học; tăng cường liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia nghiên cứu, chuyển giao, thông qua đó, đẩy nhanh ứng dụng và nhân rộng các loại mô hình…