Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 21/4/2017 khóa XIII của Huyện ủy “về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; trong hơn 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Kết luận 367-KL/HU, ngày 31/10/2022 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU.
Trong hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU “về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, xã Quảng Công đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, khôi phục các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Quảng Công đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Công ty cổ phần may mặc Huy Long, hiện có 60 lao động làm việc, doanh thu hàng năm khoảng 04 tỷ đồng; Công ty cổ phần may mặc Kim Liên, 30 lao động, doanh thu khoảng 02 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tại hai công ty trên đạt từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, Quảng Công cũng vận động Nhân dân khôi phục và phát triển nghề chế biến mắm, nước mắm ở thôn Tân Thành, An Lộc, trong đó, làng nghề chế biến mắm, nước mắn Tân Thành đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2013. Xã Quảng công đã thành lập Hợp tác xã chế biến nước mắm Tân Thành vào cuối năm 2019 với các sản phẩm mắm, nước mắm có chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các kênh phân phối lớn. Hiện nay, sản phẩm nước mắm Quảng Công đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Cùng với xã Quảng Công, trong hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU, các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã có sự chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của toàn huyện. Khu công nghiệp Quảng Vinh đã từng bước đầu tư hạ tầng và tiếp tục kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, thiết bị nâng cao tay nghề cho người lao động để nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh và vươn ra thị trường ngoài huyện. Cụm công nghiệp Bắc An Gia đi vào hoạt động nề nếp. Các ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển. Các cơ sở may gia công xuất khẩu được thành lập góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kịp thời, có hiệu quả. Nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, khoa học công nghệ ngày càng tăng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế: hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, sản phẩm còn đơn điệu, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao, một số ngành nghề truyền thống thiếu bền vững; các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn thiếu năng động trong tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm,…
Hiện nay, Huyện ủy Quảng Điền chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện Kết luận 367-KL/HU, ngày 31/10/2022 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU, với mục tiêu: tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 08-NQ/HU, ngày 21/4/2017 của Huyện ủy khóa XIII; Kết luận 94-KL/HU, ngày 13/12/2019 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU, trong đó tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề theo hướng hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Với các chỉ tiêu như: thu hút từ 03 - 05 nhà đầu tư vào đầu tư tại Khu công nghiệp Quảng Vinh; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 8%/năm; hàng năm giải quyết số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tăng thêm trên 10%; hỗ trợ thiết kế, xây dựng nhãn hiệu, kiểm định chất lượng hàng hóa cho 05 - 10 sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để đăng ký quyền sở hữu công nghiệp và cấp văn bằng bảo hộ,…
Đối với phát triển công nghiệp, huyện Quảng Điền sẽ tranh thủ nguồn lực của cấp trên để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp Quảng Vinh và cụm công nghiệp Bắc An Gia, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại khu, cụm công nghiệp. Bổ sung cụm công nghiệp Quảng Lợi liền kề với khu công nghiệp Quảng Vinh, (với quy mô khoảng 34,06 ha).
Đối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn, huyện Quảng Điền tập trung nâng cao các giá trị sản phẩm truyền thống hiện có như: mây tre đan, bún, bánh, mắm, nước mắm, sản xuất trà rau má, chế biến nông sản… theo hướng ưu tiên sử dụng máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đa dạng hóa về mẫu mã sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh gắn với phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống; chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP chủ lực ở các địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, Huyện ủy Quảng Điền chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; thực hiện tốt công tác huy động vốn và có cơ chế chính sách trong công tác huy động vốn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia các hội chợ, hội thảo, lễ hội Festival Huế; Festival làng nghề truyền thống; chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống./.