Theo Bộ Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên biến chủng Omicron đã chiếm ưu thế ở một số tỉnh, thành và đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.75.
Mới đây nhất, tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá " Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19 ".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Tại Việt Nam, từ 16h ngày 6/11 đến 16h ngày 7/11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 365 ca mắc mới. Hiện, trung bình mỗi ngày, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình hơn 300 ca mắc mới. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.506.214 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong tuần cuối tháng 10 là 1 ca/ngày. Trong các ngày 1 và 5/11, mỗi ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh; ngày 31/10 ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Miễn dịch giảm dần theo thời gian
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 99%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 và nhắc lại lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 59,1% và 78,5%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt 49,9%; Tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi lần lượt đạt 79,7% và 51,5%
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay tốc độ tiêm chủng của tỉnh có xu hướng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022. Cụ thể, số mũi tiêm tháng 9 là 18.473 mũi, tháng 10 đã thực hiện 12.267 mũi tiêm và 09 ngày đầu tháng 11 chỉ thực hiện 3.833 mũi tiêm.
Từ thực trạng trên, việc không tiếp tục tiêm chủng sẽ dẫn đến việc miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Từ đó có nguy cơ gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong thời gian tới; chuyển biến nặng và có thể tử vong.
Lý do tốc độ tiêm chủng thấp là nhiều đối tượng trong diện tiêm chủng chủ quan trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 do giảm mức độ nguy hiểm và số ca mắc dẫn đến đối tượng cần tiêm chủng còn nhiều nhưng khi tham gia tiêm chủng còn thấp.
Một số cơ quan, ban ngành chưa nắm cụ thể đối tượng cần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; báo cáo số lượng chưa tiêm cao nhưng thực hiện tham gia tiêm chủng thấp, đặc biệt tại các Khu Công nghiệp có trên 28.500 người chưa tiêm các mũi nhắc lại và tại các trường học có trên 50.000 học sinh từ 12-17 tuổi chưa tiêm mũi nhắc lại.
Công tác chỉ đạo của các cơ quan, thủ trưởng ban ngành chưa quyết liệt, một số vẫn còn giao cho ngành y tế. Sự phối hợp khi tổ chức tiêm chủng giữa các đơn vị đăng ký và các điểm tiêm chủng chưa đồng bộ như ngành y tế đã chuẩn bị nhân lực đảm bảo công tác tiêm chủng nhưng người tham gia tiêm chủng rất ít.
Học sinh thành phố Huế tiêm vắc-xin Covid-19
Vắc xin là “nền móng vững chắc” để ứng phó với dịch
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ các ca bệnh tăng nặng, tử vong trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức Tuần lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện nay các địa phương, đơn vị đang còn bị động, giao phó cho Sở Y tế trong việc tổ chức tiêm vắc xin cho người dân. Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị cần phải chủ động, khẩn trương triển khai, có kế hoạch cụ thể cho từng phần việc để thực hiện có hiệu quả; trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tiến độ tiêm chủng chậm, thấp trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp tục rà soát để xác định đối tượng chưa tiêm đầy đủ để có kế hoạch đăng ký cụ thể cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc Trung tâm Y tế địa phương để triển khai tiêm chủng.
Sở Y tế tổ chức tiêm chủng lưu động theo đề xuất của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh để đẩy mạnh tiêm chủng cho lực lượng chiến sĩ, công an, quân đội, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh triển khai tiêm chủng lưu động tại các Khu công nghiệp cho công nhân, người lao động chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc xin.