Sáng 29/5, tại TP. Sơn La, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững". Hội nghị được tổng thuật trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương;... Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu tham dự cuộc đối thoại, bà con nông dân và đồng bào, đồng chí trên cả nước.
Thủ tướng cũng gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc tới bà con nông dân nói riêng và đồng bào cả nước nói chung với những khó khăn, thách thức trong hơn 2 năm gồng mình cùng cả nước phòng chống dịch vừa qua.
Nhấn mạnh các thông điệp gửi tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước, Thủ tướng cho rằng đại dịch là vấn đề toàn cầu, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương; đại dịch là vấn đề toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhờ nỗ lực nội tại và sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, đến nay chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Sự kiện đối thoại hôm nay và đặc biệt là việc tổ chức thành công SEA Games 31 với hơn 10.000 người tham dự vừa qua đã cho thấy hiệu quả chống dịch và tình hình an toàn tại Việt Nam.
Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nước còn phải gồng mình chống dịch, không quốc gia nào an toàn khi quốc gia khác còn phải chống dịch, không người dân nào an toàn khi người khác còn mắc bệnh. Do đó, chúng ta vẫn không được lơ là, chủ quan.
Thủ tướng nêu rõ đại dịch để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng mà chúng ta phải hằng ngày giải quyết. Tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, liên quan tới cạnh tranh chiến lược, xung đột tại Ukraine, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào, lạm phát tăng cao tại các đối tác lớn của Việt Nam, sức ép lạm phát gia tăng với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Vấn đề an ninh lương thực nổi lên. Tất cả những điều này tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, các diễn biến trên thế giới tác động ngay tới Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện đường lối của Đảng, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây là hai mặt song song của một quá trình, mặt này tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới mặt kia và ngược lại. Độc lập, tự chủ không phải là tự cung, tự cấp, cách biệt với thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn,
đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ tình hình luôn có những khó khăn, không có khó khăn này thì khó khăn khác, vấn đề là chúng ta tiếp cận, giải quyết thế nào. Lịch sử Việt Nam có nhiều lần xuất hiện tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng chúng ta đã vượt qua được. Chúng ta không mất bình tĩnh, không hoang mang, sợ sệt, cũng không chủ quan, mất cảnh giác mà luôn tự tin, giữ vững bản lĩnh trước các tác động từ bên ngoài, giữ vững đoàn kết, thống nhất. Chúng ta luôn bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi để hóa giải khó khăn, thách thức, phát huy tối đa nội lực, những kết quả đã đạt được qua các thời kỳ, những thuận lợi và thời cơ để phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để cùng ngành nông nghiệp, cùng người nông dân giải quyết các khó khăn đang hiện hữu và cả những khó khăn trong tương lai có thể xuất hiện mà chúng ta chưa dự báo được.
Ba cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc. Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, quyết định, chiến lược lâu dài, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất. Còn nguồn lực bên ngoài (năng lực quản trị, công nghệ, tri thức hóa nông dân, nguồn vốn, thị trường, chuỗi cung ứng…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Dựa vào nội lực là chính, nhưng không thể bỏ qua ngoại lực.
Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…
Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề đặt ra tại cuộc đối thoại thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.