Sáng 29/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Hội nghị do Bộ NN&PTNT chủ trì. Tại Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự.
Nông nghiệp có bước tăng trưởng vượt bậc
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản..., ngành NN&PTNT vẫn có bước tăng trưởng vượt bậc.
Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su).
Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021…
Tại Thừa Thiên Huế, ngành NN&PTNT đã duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt 3,62% vượt kế hoạch đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng.
Nổi bật là tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 7.627 tỷ đồng, tăng 4,4%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 366 nghìn tấn, tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 150 triệu USD tăng 25% so với 2020.
Sản xuất nông nghiệp có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP) và trên từng lĩnh vực của ngành, bước đầu đạt được kết quả nhất định, từng bước nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản…
Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó và những kết quả đạt được của ngành, của các địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước. “Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò bệ đỡ, là cứu cánh góp phần ổn định đời sống người dân trong những lúc khó khăn và còn bảo đảm lương thực cho một phần thế giới”.
Theo dõi chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua trực tuyến
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần quán triệt nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT- XH, phát triển ngành nông nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Về mục tiêu năm 2022 Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu cao hơn năm trước: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; song song với đó, trên tinh thần chung là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải không ngừng nâng cao giá trị tuyệt đối của ngành nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và ở khu vực nông thôn. Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ.
Thủ tướng yêu cầu đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là để thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu, giúp người nông dân có thể “không cần ly nông, không phải ly hương vẫn có thể đưa nông sản đi xa, thoát nghèo và làm giàu từ đất, từ nước, từ rừng, từ những sản vật do chính mình làm ra”.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng KHCN, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa và chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết chế biến gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2022 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn, người nông dân có thể giàu có trên chính mảnh đất quê hương mình, nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.