Căn cứ Kế hoạch số 265/KH-BCĐTƯATTP ngày 09/3/2021 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021;
Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam còn diễn biến phức tạp, chúng ta cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới;
Ngày 19 tháng 3 năm 2021, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 với chủ đề :
“Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”
Với các mục tiêu cụ thể như sau:
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về An toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
3. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm.
Thời gian triển khai Tháng hành động từ 15/4/2021 đến 15/5/2021, trên phạm vi toàn tỉnh.
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRONG THÁNG HÀNH ĐỘNG
1. Tổ chức triển khai “Tháng hành động”
Ban chỉ đạo liên ngành các cấp sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức Hội nghị hoặc Lễ phát động hoặc các hình thức khác như đoàn xe diễu hành.
2. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về An toàn thực phẩm, huy động các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và của địa phương tham gia chiến dịch truyền thông, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Thông điệp: Bảo đảm an toàn thực phẩm là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm Việt Nam và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.
- Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành về an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.
- Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ,Sở Công thương phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí viết bài, đăng tin bài tuyên truyền trên các báo viết, tạp chí; phối hợp với các đơn vị xây dựng nội dung và sản xuất các tài liệu truyền thông về đảm bảo ATTP và phòng ngừa; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh quản lý chặt chẽ các nội dung quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh theo đúng quy định của pháp luật, có giải pháp loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về thực phẩm, thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Ban chỉ đạo VSATTP các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh và truyền thanh, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Huy động hệ thống loa truyền thanh xã/phường/thị trấn tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
Đối tượng ưu tiên truyền thông
- Chính quyền các cấp; các cơ quan chức năng;
-Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Người tiêu dùng.
3. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành
Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Y tế chủ trì kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm thực phẩm, tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm, cảnh báo nguy cơ, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.
Ban chỉ đạo VSATTP các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra theo sự phân công phân cấp và thực hiện từ tuyến huyện/thị xã/thành phố Huế đến xã/phường/thị trấn.
Nội dung kiểm tra
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra tập trung xem xét các nội dung:
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có), Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ), việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, nhãn sản phẩm thực phẩm, quảng cáo. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người. Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm được phát hiện trong quá trình kiểm tra lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả; tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.