Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “Thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật.
Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế; tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ cập nhật, báo cáo EC. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tiến bộ, tính đến nay số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%) ; Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phân quyền truy cập cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển; Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53% ; Công tác quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác ngưồn lợi thủy sản, đã có kết quả tích cực bước đầu theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có .
Sau gần 04 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, Đoàn thanh tra của EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU trong thực tế như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA)…; đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, trên địa bàn Tỉnh chưa có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đấu tranh ngăn ngừa kịp thời, phòng chống không để phát sinh tàu cá tỉnh Thừa Thiên Huế xâm phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài.
Về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 396 tàu cá trong tổng số 410 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình và hiện được hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá Quốc gia. Số còn lại 14 chiếc chưa lắp đặt thiết bị VMS hầu hết là các tàu nằm bờ, tạm dừng hoạt động, hoặc đang ở tỉnh xa... (Thừa Thiên Huế hiện đạt tỷ lệ hơn 96% lắp đặt VMS)
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thời gian qua, chúng ta tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về thủy sản đáp ứng được yêu cầu hội nhập, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm (ban hành 1 luật, 2 nghị định, 10 thông tư và hàng trăm quy định, các văn bản hướng dẫn). Có chuyển biến trong việc thực hiện, từ ý thức của ngư dân đến số lượng tàu vi phạm giảm… Đầu tư, lắp đặt thiết bị VMS đạt kết quả tích cực. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có tiến bộ. Cơ sở hạ tầng cảng biển được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, số lượng tàu vi phạm có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn nhiều hạn chế. Hạ tầng cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU, đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận đầy đủ, kịp thời văn bản, thông tin về các quy định chống khai thác IUU; về các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện phòng, chống khai thác IUU. Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy định về chống khai thác IUU.