Chiều ngày 26/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) 63 tỉnh, thành phố. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Hội nghị hôm nay là dịp nhìn lại các kết quả thực hiện CPĐT thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương được giao tại Hội nghị đầu năm 2020, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2020. Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).
Thừa Thiên Huế dẫn đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, về xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông là ba đơn vị dẫn đầu, ba đơn xếp cuối cùng lần lược là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng. Trong khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin và là tỉnh duy nhất có chỉ số trên 0,9 điểm (0,9039 điểm), xếp thứ nhì là Đà Nẵng (0,8813 điểm), thứ 3 là Quảng Ninh (0,8697 điểm); 3 tỉnh đứng cuối lần lượt là các Bạc Liêu, Kon Tum và Cao Bằng.
Một trong những thành phần quan trọng của xây dựng, phát triển CPĐT là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh), mục tiêu của Ủy ban quốc gia về CPĐT hết năm 2020, có 100% Bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng này và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tính đến hết tháng 7/2020 đã có gần 83% đơn vị Bộ, ngành, địa phương hoàn tất triển khai nền tảng này, gấp hơn 3 lần so với năm 2019.
Về hệ thống trao đổi văn bản điện tử, mục tiêu là 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Đến nay tỷ lệ này đã là 88,53%. Về dịch vụ công trực tuyến, hiện đã có Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Có 9 bộ và 11 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu 30% dịch vụ công mức độ 4. Mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt bình quân 50%.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc phát triển Chính phủ điện tử, bàn về hướng giải quyết các vấn đề như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng CPĐT là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2020). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy CPĐT ở Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng CPĐT. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2020.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4…; hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT. Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay.